Phụ nữ Cơ Tu gắn bó với khung cửi, góp phần bảo tồn nghề truyền thống
Thiết kế mẫu mã đa dạng theo thị trường, kết hợp hoa văn trang trí độc đáo, kỹ thuật dệt tinh xảo là cách chị em Cơ Tu ở huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam tăng sức hút cho các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo niềm hứng khởi cho nhiều phụ nữ Cơ Tu gắn bó với khung cửi, góp phần bảo tồn nghề truyền thống
Đã thành thông lệ 2 buổi mỗi tuần, các thành viên Nhóm dệt vải thổ cẩm thôn Văn hóa Ta Vang ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam lại tập trung về nhà chị Zơ Râm Nhăm để dệt, may các sản phẩm thổ cẩm truyền thống Cơ Tu.
Chị Zơ Râm Nhăm, Nhóm trưởng Nhóm dệt thổ cẩm thôn Ta Vang, xã A Tiêng cho biết, Ta Vang làm du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khống chế, khách du lịch đã quay trở lại địa phương, trong đó, thôn Ta Vàng được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm đời sống và tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Thế nhưng khách đến làng thì đông nhưng rất ít người mua sản phẩm dệt thổ cẩm.
Chị Zơ Râm Nhăm cho biết, lúc đầu mới thành lập, Nhóm dệt thổ cẩm thôn Ta Vang thu hút 12 thành viên nhưng nay chỉ còn 7 người, giảm gần 1 nửa. Nguyên nhân do sản phẩm không có nơi tiêu thụ, thu nhập của chị em giảm chỉ còn vài chục nghìn đồng mỗi tháng. Để duy trì hoạt động, chị Nhăm và các thành viên trong nhóm đã nghiên cứu, tìm tòi cải tiến mẫu mã, hoa văn, màu sắc tạo ra các sản phẩm bắt mắt. Từ một vài sản phẩm truyền thống, đến nay, nhóm đã tạo ra hơn 10 sản phẩm quà lưu niệm các loại như túi xách nam nữ, ví cầm tay các loại, váy, áo, ba lo, khăn choàng, khăn trải bàn, tấm treo với nhiều kiểu dáng, kích thước, giá cả phải chăng, được khách ưa chuộng. Cách làm này đã giúp nhóm nâng cao doanh thu từ vài triệu đồng lên gần 20 triệu đồng mỗi quý. Tính ra, mỗi thành viên kiếm được gần 1 triệu đồng/tháng từ dệt thổ cẩm lúc nông nhàn.
Chị Zơ Râm Nhăm khoe, ngoài bán sản phẩm, chị em trong Nhóm còn tham gia trình diễn dệt thổ cẩm, trò chuyện, giao lưu cùng du khách và nhận các đơn hàng may áo dài, đồng phục học sinh để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. “Tôi phấn khởi lắm khi có nhiều người thích và đặt hàng các sản phẩm làm từ vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Họ sử dụng vải thổ cẩm để may áo Dài, váy, đồ Vest, túi xách, ví ... dù theo kiểu cách tân, sở thích của bản thân. Mừng nhất là vải thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình đã được nhiều người ưa chuộng, góp phần bảo tồn nghề truyền thống Cơ Tu”.
Tại 2 xã Dang và A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Tổ dệt thổ cẩm thành lập chưa đầy 1 năm nhưng đã hướng đến sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Chị A Lăng Thị La, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm thôn Arui, xã Dang cho biết, tổ có 32 thành viên đều là phụ nữ hoàn cảnh khó khăn. Trước khi tổ dệt đi vào hoạt động, các thành viên đã họp, bàn lựa chọn mẫu mã sản phẩm dệt, tạo hoa văn làm điểm nhấn, màu sắc tươi trẻ hơn so với cách làm truyền thống. Nhờ vậy, ngay khi tổ dệt trình làng các sản phẩm tại Hội chợ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Tây Giang đã thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm và cháy hàng chỉ trong 2 ngày sau đó.
Chị A Lăng Thị La cho biết, chỉ riêng dịp hội chợ đó, chị em trong Tổ thu về hơn 10 triệu đồng. Số tiền này, Tổ làm quỹ để mua nguyên liệu tiếp tục hoạt động. “Bà con phấn khởi lắm sau hiệu quả ban đầu đạt được. Chị em mong muốn địa phương tiếp tục hỗ trợ nguyên liệu để mở rộng hoạt động kiếm thêm thu nhập từ nghề truyền thống. Những ngày nông nhàn, ai cũng tập trung dệt vải, đính cườm để tạo ra những tấm vải để may thành sản phẩm cung cấp cho đợt tiếp theo”.
Bà Bríu Thị Nem, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết các thôn, bản đều có nhóm phụ nữ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với nghề dệt truyền thống Cơ Tu là đầu ra sản phẩm. Để hỗ trợ các nhóm, tổ dệt duy trì hoạt động, ngoài hỗ trợ cườm, chỉ, len ban đầu, Hội LHPN huyện Tây Giang còn tổ chức các lớp truyền dạy, tư vấn thăm dò thị trường.
Theo bà Bríu Thị Nem, Hội chủ động cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc phù hợp với thị hiếu khác hàng. Hội còn tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống Cơ Tu tại các lễ hội, hội chợ, sự kiện do huyện, tỉnh tổ chức để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến du khách thập phương. “Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của chị em đã thay đổi, đặc biệt, thông qua việc cải tiến mẫu mã sản phẩm dần tiếp cận với thị hiếu người tiêu dùng. Đối với Hội LHPN huyện cũng xác định khi thành lập các tổ dệt này cũng định hướng sản xuất hàng hóa theo thị trường và bước đầu đạt được kết quả. Dự kiến trong năm 2024, chúng tôi tiếp tục nhân rộng cách làm này tại 2 xã trên địa bàn để tăng nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân”.
Tây Giang là huyện biên giới của tỉnh Quảng Nam có hơn 90% dân số là đồng bào Cơ Tu sinh sống. Thời gian qua, địa phương đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó, có dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm sinh thái.
Theo ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, địa phương đang tập trung nguồn lực, giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các làng nghề gắn với phát triển du lịch, qua đó, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập giúp người dân thoát nghèo bền vững: “Những năm qua, huyện Tây Giang đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tuy nhiên, qua trình hoạt động bà con cũng gặp khó khăn bởi nguồn hỗ trợ nguyên liệu còn hạn hẹp. Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ bà con mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường ổn định”.