Phụ huynh giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện là coi thường pháp luật
Phụ huynh biết con mình chưa đủ điều kiện điều khiển các loại mô tô, xe máy, nhưng vẫn giao xe là hành vi coi thường pháp luật, cần răn đe để làm gương cho con.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực tuần tra, xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy đến trường. Tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý từ gia đình, vẫn còn có phụ huynh vẫn thản nhiên giao xe cho con, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Bố mẹ không cho phép, học sinh sao dám tự ý đi xe?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đoàn Trọng Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đối với một số trường học ở khu vực nông thôn, vẫn còn tồn tại một số ít trường hợp học sinh chưa có bằng lái, chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy.
Riêng tại Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng, nhờ công tác tuyên truyền và phối hợp cùng lực lượng công an giao thông khu vực, tình trạng trên không xuất hiện trong nhiều tháng trở lại đây”.
Tuy nhiên, thầy Bình cho biết, ngoài giờ học tại trường, đôi khi thầy vẫn bắt gặp cảnh học sinh dàn hàng ngang, điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện.
“Tôi nhận thấy rằng, nhà trường chỉ có thể cố gắng hết sức trong khâu tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh. Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần sự phối hợp từ gia đình. Nếu phụ huynh vẫn thản nhiên giao phương tiện cho con, sẽ hình thành ý thức xấu của học sinh.
Bố mẹ không cho phép, con làm sao có thể tự ý lấy xe đi lại? Đa phần các em học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện, theo tôi, đều là do bố mẹ đồng tình”, vị hiệu trưởng trăn trở.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 5, Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng - 2.000.000 đồng, nếu giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển, đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Dù đã được quy định rõ, nhưng thực trạng bố mẹ là chủ phương tiện, giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi, hoặc chưa có bằng lái điều khiển vẫn còn tồn tại.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng nhận định: “Trước hết, tôi cho rằng, những phụ huynh này thường chưa am hiểu pháp luật, khâu tuyên truyền trong cộng đồng dân cư chưa đạt hiệu quả. Thứ hai, cũng là lý do chính, theo tôi, phụ huynh nào giao xe cho con là đang xem thường pháp luật, không coi trọng cả tính mạng của con mình hay người tham gia giao thông khác”.
Do đó, thầy Đoàn Trọng Bình cho biết, việc nhà trường và lực lượng công an giao thông khu vực tăng cường tuyên truyền, phối hợp tuần tra, kiểm soát là cần thiết.
Thầy Bình đánh giá, so với các buổi tuyên truyền tại trường, hoạt động giám sát gắt gao của lực lượng cảnh sát giao thông đặc biệt hiệu quả hơn. Bởi khi đó, học sinh và phụ huynh mới “biết sợ”.
Cùng trao đổi về vấn đề trên, cô Võ Thị Thuần - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Hiện nay, tại nhà trường, không xuất hiện tình trạng học sinh điều khiển xe khi chưa đủ điều kiện để đến trường. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, tại một số địa phương, vẫn còn diễn ra hiện tượng trên.
Thứ nhất, phụ huynh chủ động giao xe cho con bởi nhà ở xa, không có thời gian chở con đi học cả sáng và chiều. Thứ hai, các em học sinh không chịu đi xe đạp, phụ huynh lại thiếu kiến thức, nên mua nhầm loại xe máy điện cho con sử dụng”.
Với lứa tuổi “dễ bốc đồng” của học sinh trung học phổ thông, cô Thuần nhận định, nếu giao xe cho các em điều khiển, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi theo tâm lý học sinh, khi điều khiển phương tiện sai quy định, nếu gặp lực lượng cảnh sát giao thông, sẽ có tâm lý hốt hoảng, né tránh, phóng nhanh và vô tình gây tai nạn.
Lúc này, phụ huynh chắc chắn có liên quan. Trong trường hợp công an giữ xe, bố mẹ buộc phải đến nộp phạt mới có thể lấy xe về.
Để các bậc phụ huynh nhận thức rõ về hành vi trên, cô Thuần cho biết, Trường Trung học phổ thông Hồng Lĩnh đã tổ chức các đợt tuyên truyền vào tháng 9 và tháng 11. Tiếp đến, nhà trường phối hợp cùng lực lượng công an giao thông khu vực, cho học sinh, phụ huynh ký cam kết thực hiện Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi vẽ An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai cũng được đẩy mạnh.
Xây dựng Ban An toàn giao thông trường học, đề ra giải pháp “tâm lý” với học sinh
Tại Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), Ban An toàn giao thông trường được thành lập và duy trì hoạt động hằng năm, nhằm kiểm tra, đánh giá, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết các công việc liên quan tới an toàn giao thông.
Thầy Hoàng Công Chứ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh cho biết, Ban An toàn giao thông giúp việc tuyên truyền và quản lý thêm chặt chẽ, hiệu quả.
“Thực hiện Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày 25/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng ‘Tỉnh an toàn giao thông’, nhà trường đã ra thông báo về việc nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; đặc biệt, nghiêm cấm tình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường và kể cả ngoài trường.
Sau khi phối hợp cùng công an huyện Gia Bình, thực hiện quyết liệt chỉ đạo trên, việc thực hiện trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rõ rệt. Minh chứng là không có học sinh vi phạm, bị công an giữ xe, các em đều đi xe đúng quy định, đúng độ tuổi”, thầy Chứ chia sẻ.
Vị phó hiệu trưởng cũng chỉ ra, tình trạng phụ huynh cố tình giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ điều kiện vẫn tồn tại, do một số học sinh nhà cách xa trường, gia đình “lỡ” mua xe máy điện, phụ huynh chỉ đưa đón được một thời gian ngắn,... Điều này gây nhiều hệ lụy như mất trật tự an toàn giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của học sinh và cả người đi đường.
Trong thông báo từ Ban An toàn giao thông Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh, nêu rõ: “Tuyệt đối phụ huynh không cho học sinh đi xe máy trên 50cm3 đến trường hoặc tham gia giao thông; Học sinh chưa đủ 16 tuổi không được đi xe gắn máy, xe máy điện đến trường hoặc tham gia giao thông…”. Đây là những nhiệm vụ cấp bách mà nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện.
Ngoài ra, hoạt động kiểm tra khu nhà để xe của học sinh trong giờ học, cử Đoàn trường, bảo vệ quản lý phương tiện vào trường sáng - chiều cũng là biện pháp hiệu quả mà Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh đưa ra.
Về phía Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng, nhằm đảm bảo học sinh thực hiện an toàn giao thông, thầy Đoàn Trọng Bình cho rằng, cần có biện pháp răn đe cao hơn với phụ huynh.
“Tôi đã đề nghị với cơ quan chức năng, phạt mức cao nhất với các trường hợp phụ huynh cho con điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện. Nếu nương tay, một số phụ huynh sẽ ‘xin’, dẫn đến tiếp tục tái phạm sau này. Đây cũng là nội dung mà các bậc phụ huynh đã ký trong cam kết với nhà trường”, thầy Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giải pháp tác động “tâm lý” học sinh cũng được Trường Trung học phổ thông Lý Chính Thắng đẩy mạnh. Thầy Bình thông tin thêm: “Lực lượng ‘nòng cốt’ tại trường mà tôi đánh giá hoạt động rất hiệu quả chính là đoàn thanh niên. Các em có thể gần gũi với bạn bè, nhắc nhở và lan tỏa những thông điệp, khẩu hiệu về an toàn giao thông. Khi về nhà, các em sẽ tiếp tục trò chuyện với bố mẹ, để bố mẹ chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trở thành gương sáng”.
Cũng áp dụng “giải pháp tâm lý” đối với học sinh toàn trường, cô Võ Thị Thuần cho biết, ngày 11/11/2024, Trường Trung học phổ thông Hồng Lĩnh đã tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
“Trong buổi lễ, nhà trường có những bài phát biểu nhấn mạnh về số liệu, đồng thời, lồng ghép câu chuyện của nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Trong thời gian tổ chức, cả trường im lặng tuyệt đối. Khi loa phát thanh vang lên, cũng là lúc các em học sinh có giây phút lắng đọng, để suy nghĩ và cảm nhận.
Ngoài ra, nhà trường thường xuyên bật các băng phát thanh về an toàn giao thông vào sáng sớm, phát động phong trào về an toàn giao thông, lồng ghép câu chuyện ý nghĩa vào trong từng bài học sao cho phù hợp. Tôi tin rằng, giải pháp này có hiệu quả, bởi những tháng qua, nhà trường không ghi nhận bất kỳ trường hợp vi phạm an toàn giao thông nào”, cô Võ Thị Thuần bày tỏ.
Cùng với những nỗ lực đó, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hồng Lĩnh cũng cho biết, nhà trường rất mong nhận được sự phối hợp từ các bậc phụ huynh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông sẽ hiệu quả hơn, nếu bố mẹ luôn giám sát, nhắc nhở và làm gương cho con em mình.