Xây dựng 'hệ sinh thái số' trong trường đại học
Bắt nhịp công nghệ số và hội nhập toàn cầu, các cơ sở giáo dục đại học đang từng bước xây dựng 'hệ sinh thái số' trong trường học để kết nối đa chiều, tạo môi trường học tập chuyên nghiệp, thuận lợi.
Đa dạng môi trường học tập
Hình thức học trực tuyến đang được các trường đại học áp dụng thông qua các ứng dụng: zoom, google meet, microsoft teams… ; triển khai phổ biến ở hệ vừa học vừa làm và triển khai mức độ nhất định (giao bài tập nhóm) đối với hệ chính quy.
Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, song song với hình thức học trực tuyến là việc xây dựng hệ thống chuyển đổi số đồng bộ trên toàn trường thông qua phần mềm OneUni (app sử dụng cho điện thoại thông minh và trình duyệt web trên máy tính).
Em Phạm Trần Nam, sinh viên năm 3, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk chia sẻ, với app OneUni trên điện thoại, sinh viên dễ dàng theo dõi lịch học, tiến độ môn học và sắp xếp thời gian hợp lý để học tập hiệu quả nhất.
Em Hoàng Nguyễn Nhật Minh, sinh viên lớp 4738 thì cho rằng, ưu điểm lớn nhất của phần mềm OneUni là cập nhật điểm số nhanh và có mục so sánh với điểm trung bình của lớp; theo dõi việc đóng học phí của sinh viên ở mỗi môn học; sinh viên cũng dễ dàng báo cáo tiến độ học tập, mức học phí và điểm số với phụ huynh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk cho biết, thông qua phần mềm OneUni, giáo viên dễ dàng nắm bắt các thông tin về chức danh, số điện thoại của cán bộ, giảng viên của trường; đồng thời tránh được tình trạng phân công lịch giảng trùng giờ, trùng lịch học...
Cùng với đó, nhà trường cũng đang hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số từ công tác điều hành, tổ chức giảng dạy đến học liệu điện tử; trong đó đặc biệt chú ý tới thư viện điện tử với nhiều tài liệu quan trọng của trường như: giáo trình điện tử do các giảng viên của trường soạn; luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ…
Nguồn tài liệu, học liệu này được bổ sung, cập nhật thường xuyên theo thời gian và tiến trình phát triển của trường; qua đó kéo gần khoảng cách, môi trường học tập cho sinh viên phân hiệu tại Đắk Lắk và sinh viên cơ sở Hà Nội…
Tăng cường hợp tác quốc tế
Ở Trường Đại học Tây Nguyên, song hành với việc áp dụng các mô hình học tập trực tuyến là kết nối hệ thống đào tạo trong nước và khu vực nhằm tăng cường mối kết nối đa chiều và hội nhập quốc tế.
Năm 2023, Trường Đại học Tây Nguyên được công nhận là thành viên liên kết (Associate Membership) của mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).
Tháng 10/2024, Trường Đại học Tây Nguyên đã có 2 chương trình được công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA là: Chương trình đào tạo Kinh tế (Economics thuộc Khoa Kinh tế), Ngôn ngữ Anh (English Linguistics thuộc Khoa Ngoại ngữ).
PGS.TS Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho hay, việc đạt tiêu chuẩn đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo và được công nhận bởi hệ thống giáo dục của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) khẳng định xu thế hội nhập của nhà trường.
Kiểm định AUN-QA giúp nhà trường từng bước xác định vị thế của mình trên trường quốc tế; từng bước khẳng định sự cam kết của nhà trường đối với xã hội, với nhà tuyển dụng về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình đào tạo - đó là nguồn nhân lực được đào tạo với các tiêu chuẩn và tiêu chí về chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Sinh viên học các chương trình được AUN-QA đánh giá và công nhận sẽ dễ dàng thực hiện trao đổi sinh viên - student exchange (trao đổi học thuật hoặc trao đổi văn hóa hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học trong nước và các trường đại học đối tác trên thế giới) hoặc chuyển đổi tín chỉ với các trường đại học trong khu vực. Đặc biệt là sinh viên sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm trong thị trường khu vực và quốc tế…
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của giáo dục đại học, bởi giáo dục đại học là giáo dục con người số, nguồn nhân lực số cho thị trường lao động” - PGS.TS Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên.
Theo THANH HƯỜNG (Báo Đắk Lắk)