Đừng biến giáo viên của con trở thành 'kẻ thù'

Các nhà giáo dục nói rằng thay vì chất vấn, gây khó dễ cho giáo viên, cha mẹ nên kết nối với thầy cô theo cách nhẹ nhàng để rút ra phương pháp dạy con phù hợp.

 Chất vấn, gây áp lực cho giáo viên không giúp bạn dạy con hay giải quyết vấn đề của con. Ảnh: Pexels.

Chất vấn, gây áp lực cho giáo viên không giúp bạn dạy con hay giải quyết vấn đề của con. Ảnh: Pexels.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc tham gia họp phụ huynh với một danh sách dài những lời phàn nàn cho giáo viên chủ nhiệm, nhà văn Jennifer Breheny Wallace, tác giả cuốn Never Enough: When Achievement Culture Becomes Toxic - And What We Can Do About It, khuyên bạn nên suy nghĩ lại. Những vấn đề mà con bạn gặp phải có thể giải quyết trong êm đẹp mà không cần tranh cãi hay đổ lỗi cho bất cứ ai.

"Không giáo viên nào chạy theo nghề giáo vì tiền bạc và danh vọng. Bạn hãy nhớ rằng giáo viên của con bạn ở đó vì họ có sứ mệnh là đầu tư vào con bạn", bà Wallace nhấn mạnh, đồng thời gợi ý phụ huynh nên trao đổi với giáo viên về những băn khoăn của bản thân để cùng nhau tìm ra phương án giải quyết.

Nhà trị liệu Lauren Tetenbaum cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo bà, giáo viên dành rất nhiều thời gian với trẻ nên họ có rất nhiều hiểu biết giá trị về các em. Do đó, thay vì phàn nàn, cha mẹ nên lắng nghe nhiều hơn để tìm hiểu gốc rễ của vấn đề.

Lịch sự để làm gương cho con

Bà Wallace nói với CNN rằng cha mẹ luôn có tâm lý muốn bản thân trở thành tất cả đối với con. Nhưng ít ai hiểu rằng việc trẻ có mối quan hệ bền chặt với giáo viên lại là điều rất lành mạnh và mang lại nhiều giá trị.

Do đó, cha mẹ có thể giúp con kết nối với giáo viên bằng cách dạy con bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng với giáo viên, nhất là khi giáo viên mang lại những điều tốt đẹp cho con.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ không nên chỉ trích giáo viên trước mặt con. Nữ nhà văn nhấn mạnh rằng việc cha mẹ nói xấu giáo viên trước mặt con đồng nghĩa với việc họ đang phá hoại mối quan hệ của con với người trực tiếp dạy dỗ con.

"Nếu bạn chỉ trích giáo viên sau khi họ mắc lỗi, bạn cũng đang gửi cho con một thông điệp độc hại về việc chối bỏ giáo viên. Chúng ta cần trở thành một xã hội bao dung, lịch sự và cha mẹ nên là người làm gương cho con trong việc đối xử với thầy cô", bà Wallace nhấn mạnh.

 Thái độ của cha mẹ đối với giáo viên cũng có thể tác động đến hành vi của con. Ảnh: Pexels.

Thái độ của cha mẹ đối với giáo viên cũng có thể tác động đến hành vi của con. Ảnh: Pexels.

Đừng xem nhẹ buổi họp phụ huynh

Cha mẹ cũng nên xem những buổi họp phụ huynh là cơ hội để hỗ trợ con phát triển trong nhiều khía cạnh khác, ngoài việc học.

Bà Wallace tìm hiểu về trẻ em và thấy rằng trẻ em rất coi trọng bản thân và những lợi ích về sức khỏe tâm thần hơn cả thành tích học tập.

Vì thế, bằng cách đặt câu hỏi cho giáo viên như "bạn bè của con là ai", "các con đóng góp thế nào cho lớp học"..., cha mẹ có thể nhận được những thông tin hữu ích để hỗ trợ con, giúp con cảm nhận được giá trị của bản thân, bất kể thành tích học của con ra sao.

Luôn duy trì kết nối với giáo viên

Trong khi đó, lời khuyên của bà Lauren Tetenbaum là cha mẹ nên duy trì kết nối với giáo viên chủ nhiệm, thay vì chờ đến cuộc họp phụ huynh tiếp theo mới trao đổi với giáo viên.

Cụ thể, nhà trị liệu gợi ý cha mẹ nên hỏi giáo viên về phương pháp trao đổi phù hợp, ví dụ như gửi email, nhắn tin hoặc gọi điện.

"Thông thường, nếu có vấn đề, phụ huynh sẽ liên hệ giáo viên để sắp xếp một cuộc họp và điều này rất được hoan nghênh. Nhưng nếu cha mẹ kết nối với giáo viên như những người đồng hành và đối xử với họ một cách lịch sự, biết ơn, điều đó sẽ còn tuyệt vời hơn nữa", bà Tetenbaum chia sẻ.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-bien-giao-vien-cua-con-tro-thanh-ke-thu-post1513423.html
Zalo