Phòng ngừa ngộ độc rượu

Uống rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đám tiệc, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về… Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu, bia có thể dẫn đến ngộ độc rượu, gây ra các vấn đề về sức khỏe, thậm chí là tử vong.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Sỏi - Trưởng Khoa Cấp cứu tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng) thông tin: “Bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm, với nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ đến nặng; các lý do vào viện nhẹ nhất là nôn mửa hoặc nặng hơn cũng là lơ mơ, kích thích, thậm chí là hôn mê… Để đảm bảo sức khỏe, người dân nên hạn chế uống rượu, bia, nhất là trong trường hợp phải điều khiển phương tiện giao thông để tránh những tai nạn đáng tiếc, cũng như để tránh ngộ độc rượu”.

Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Theo đó, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu là do uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến ngộ độc; gây tổn thương các bộ phận trong cơ thể, thậm chí tử vong. Ngộ độc rượu với những biểu hiện cấp tính khi uống quá nhiều rượu (lạm dụng) như phản ứng chậm, đi đứng xiêu vẹo, giảm khả năng nghe nhìn, thiếu kiềm chế cảm xúc hoặc có ảo giác, sa sút trí nhớ, tinh thần, nôn mửa, đau bụng; ngộ độc nặng gây bất tỉnh, xanh tái, thậm chí tử vong. Tác hại khi lạm dụng rượu lâu dài là tổn thương các cơ quan nội tạng não (mất trí nhớ, nhầm lẫn, suy đồi nhân cách, rối loạn tinh thần), tim mạch (cao huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim), gan (sưng, viêm gan), dạ dày (viêm, loét), tụy (viêm cấp tính), ruột (tiêu chảy, viêm). Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, mắc bệnh thần kinh, xơ gan, suy thận. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây bệnh thần kinh hay dị tật cho thai nhi.

Vì vậy, mỗi người cần có sự cân nhắc khi sử dụng rượu bia để phòng ngừa ngộ độc rượu. Thạc sĩ Huỳnh Văn Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sóc Trăng khuyến cáo: “Để hạn chế và ngăn ngừa các vụ ngộ độc do rượu, người tiêu dùng tuyệt đối không mua và sử dụng rượu có nguồn gốc trôi nổi, không rõ ràng, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol vượt quá giới hạn cho phép vì có thể gây mù mắt và tử vong, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml (4%); 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). Mọi người không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan có thẩm quyền; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia; người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) không uống rượu hoặc các loại nước uống có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh các loại rượu pha chế từ nguyên liệu cồn không đảm bảo chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn”.

Bên cạnh đó, mỗi người khi uống rượu nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc; sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã; không sử dụng rượu, bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bệnh đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng lên.

Để hạn chế và ngăn ngừa các vụ ngộ độc do rượu, bia gây ra, cá nhân mỗi người cần nâng cao ý thức cho bản thân và gia đình trong việc sử dụng rượu, bia. Đồng thời, không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu là cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/phong-ngua-ngo-doc-ruou-69286.html
Zalo