Phòng LAB 5 triệu USD: Nâng tầm chất lượng đào tạo

Một phòng thí nghiệm (Lab) tại Việt Nam trị giá 5 triệu USD đã đi vào hoạt động tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Không chỉ là nơi thực hành nghiên cứu, đây còn là minh chứng rõ nét cho chiến lược nâng tầm đào tạo bằng đầu tư hạ tầng công nghệ cao mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ.

Phòng sạch rộng hơn 150 m² được xây dựng chuyên biệt trong khuôn viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, phục vụ nghiên cứu tiên phong trong vi mạch bán dẫn, vật liệu tiên tiến, công nghệ cảm biến sinh học. Tại đây, giảng viên, sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được thực hành trên thiết bị thật, theo quy trình chuẩn quốc tế.

Từ khi là sinh viên năm thứ hai, Nguyễn Trung Kiên đã có cơ hội được nghiên cứu trong phòng sạch. Đến nay, Kiên đã là nghiên cứu sinh, đang thực hiện cùng thầy giáo hướng dẫn đề tài: "Nghiên cứu, chế tạo các vật liệu bán dẫn phục vụ cho mục đích ứng dụng chế tạo chip". Mọi hoạt động của đề tài đều được thực hiện trong phòng sạch này.

Nghiên cứu sinh Trung Kiên - Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Phòng sạch ở đây có đầy đủ công nghệ tiệm cận với thế giới. Chúng ta có thể chế tạo hoàn chỉnh một con chip tại phòng sạch. Nếu bạn nào không theo nghiên cứu cũng có thể tiếp cận ngay được với công nghệ tại công ty về chip bán dẫn mà không mất thời gian đào tạo lại".

Sinh viên Nguyễn Thị Ánh - Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Em cảm thấy rất may mắn so với các bạn khác vì có cơ hội vào đây và làm những điều mình mong muốn".

Không dừng lại ở công tác đào tạo, phòng thí nghiệm còn là hạt nhân cho các công trình nghiên cứu lớn, từ chip ảnh nhiệt đến cảm biến sinh học. Nhiều đề tài được tài trợ bởi NAFOSTED, VinIF và các tổ chức quốc tế.

TS. Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Ở đây nghiên cứu sâu về chip bán dẫn, không chỉ đào tạo mà còn triển khai các hướng nghiên cứu, giúp sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trực tiếp thực hiện các nghiên cứu về đề tài này".

GS.TS Lê Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Những phòng thí nghiệm này vận hành và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo đội ngũ trình độ cao chất lượng cao, phục vụ cho các chương trình trọng điểm của ĐHQGHN và nhà nước".

Không chỉ đầu tư phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai định hướng đầu tư đồng bộ cho các phòng thí nghiệm trọng điểm ở nhiều đơn vị, thành lập Công viên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo nằm trong khuôn viên Đại học này tại Hòa Lạc. Đây là bước đi cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Đại học Quốc gia có nhiệm vụ đề xuất hai phòng thí nghiệm về chip bán dẫn, cấp đại học và cấp quốc gia đặt trong khu công viên này. Ngoài các viện nghiên cứu, thí nghiệm, phòng sạch, chúng tôi có khu giảng đường, khu sản xuất thử nghiệm… Với hệ sinh thái như vậy, chúng tôi tin tưởng sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới".

Mỗi phòng thí nghiệm không chỉ là nơi diễn ra nghiên cứu mà còn là điểm tựa cho đổi mới đào tạo, nơi sinh viên được truyền cảm hứng sáng tạo, nơi khoa học kết nối với thực tiễn. Với sự đầu tư bài bản và dài hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội đang từng bước nâng tầm chất lượng đào tạo, không chỉ bắt kịp xu thế mà còn sẵn sàng cho tương lai công nghệ cao.

Tuyết Nhung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/phong-lab-5-trieu-usd-nang-tam-chat-luong-dao-tao-333391.htm
Zalo