Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Sáng kiến, nỗ lực sẽ có kết quả
Những góp ý từ chuyên gia cùng những nỗ lực từ chính quyền đang hứa hẹn góp phần tạo nên bức tranh về một đô thị xanh, sạch, văn minh hơn
Nói về vấn đề thu gom, phân loại và xử lý rác thải ở TP HCM hiện nay, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, nhận xét thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực và đúng trên lý thuyết nhưng tính khả thi hạn chế hoặc được mặt này thì không được mặt kia.
Nhiều gợi ý tốt
Đối với phân loại rác tại nhà, theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, nên nghiên cứu chế tạo 3 loại túi đựng 3 loại rác có màu sắc, kích cỡ khác nhau. Cơ sở thu gom rác chỉ cần bán trước các loại túi đựng rác đó cho từng hộ gia đình, đồng nghĩa với việc đã tính tiền thu gom. Như vậy, đơn vị thu gom không cần đi thu tiền hằng tháng còn người mua túi rác vừa dễ phân loại vừa có thể tiết kiệm bởi nếu ít rác thì đỡ tốn tiền mua túi. Điều này tương tự trả tiền điện, nước tùy theo mức sử dụng.

Việc khởi công nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa nằm trong kế hoạch đến năm 2030, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP HCM được xử lý bằng công nghệ .Ảnh: QUỐC ANH
Gửi ý kiến tới Báo Người Lao Động, chị Nguyễn Thị Giang (ngụ TP Hà Nội) cho biết một trong vô số ấn tượng sau 10 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản của chị là cách mọi người ứng xử với rác.
Chị Giang kể ở nước bạn, người dân phải sử dụng túi rác chuyên dụng được bán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sau khi thu gom, rác tái chế được đưa đến các nhà máy để làm nguyên liệu sản xuất mới. Một điều quan trọng nữa, đó là việc giáo dục ý thức phân loại rác được thực hiện ngay từ cấp tiểu học. Học sinh không chỉ được học lý thuyết mà còn thực hành trực tiếp, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường và trân trọng tài nguyên. Nhiều địa phương còn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tận nhà cho cư dân, đặc biệt là với người nước ngoài mới chuyển đến sinh sống.

Cùng với phân loại rác thải, chuyển đổi phương tiện thu gom là công tác đang được ưu tiên hiện nay .Ảnh: THU HỒNG
"Hệ thống xử lý rác sinh hoạt của Nhật Bản là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại, quản lý nghiêm túc và ý thức cộng đồng cao. Đây là mô hình mà các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng" - chị Giang nói.
Tính thêm phương án
Để công tác thu gom rác thải phù hợp với đô thị hiện đại như TP HCM, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng thành phố cần nhìn nhận những vướng mắc trong khâu chuyển đổi phương tiện của người thu gom.
Cụ thể như có đáp số cho câu hỏi nguồn quỹ bảo vệ môi trường có đủ đáp ứng, điều kiện vay vốn có khắt khe không; một số quận nhiều hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, xe tải thu gom rác không phù hợp thì có phương tiện nào thay thế mà vẫn bảo đảm an toàn. Theo ông, nếu các hợp tác xã đề xuất thì sở ngành, thành phố cần linh hoạt thí điểm phương tiện điện nhỏ gọn, hạn chế dùng sức người, có thể đi sâu vào các hẻm nhỏ để lấy rác ra điểm tập kết xe ép ở đầu đường.
Nói về công nghệ xử lý, TS Phạm Viết Thuận cho hay Luật Bảo vệ Môi trường quy định phải áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, tạo kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành tài nguyên, hạn chế chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, qua nhiều năm dõi theo, việc khởi động các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn TP HCM chưa như chờ đợi vì nhiều lý do.
Để chủ động hơn, ngay từ bây giờ thành phố thay vì tư nhân hóa 100% công tác xử lý rác thì nên giao cho đơn vị sự nghiệp công ích nhà nước. Từ đó, bảo đảm tính hiệu quả, quản lý tốt.
"Những bất cập trong thu gom, xử lý rác thải ở TP HCM tồn tại nhiều năm nhưng chưa có hướng ra đột phá. Chính quyền cần quyết liệt, linh động, nâng chất mọi mặt công tác xử lý rác thải..." - TS Thuận nhấn mạnh.
Tăng tốc áp dụng công nghệ
Theo tìm hiểu, hiện nay, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế trên địa bàn thành phố đạt 33%, còn lại được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.
Thành phố có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang triển khai với tổng công suất 8.500 tấn rác/ngày. Trong đó, 2 dự án đã khởi công tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, tổng công suất hơn 4.000 tấn rác/ngày. Trong năm 2025, UBND TP HCM tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư dự án còn lại hoàn thành thủ tục pháp lý để xây dựng và vận hành năm 2027, nâng tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện đạt 80,9%.
Giai đoạn 2026-2030, thành phố có thêm dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc với quy mô công suất 2.000 tấn/ngày. Khi đó, tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện đạt 100% (tương đương 10.500/10.500 tấn/ngày).
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố cũng đang nghiên cứu các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ tại các nhà máy xử lý rác hiện hữu. Đồng thời hình thành chuỗi giá trị tuần hoàn trong quản lý chất thải, từ thu gom, phân loại, xử lý đến tái sử dụng và sản xuất năng lượng tái tạo.
"Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự quyết tâm của các sở, ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự hưởng ứng từ cộng đồng, chúng ta sẽ tạo nên một kỷ nguyên mới về môi trường đô thị, nơi rác thải không còn là gánh nặng mà trở thành nguồn tài nguyên quý giá phục vụ phát triển bền vững" - ông Cường nhấn mạnh tại buổi lễ khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi vừa qua.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5
Định hướng đúng đắn
Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) làm việc với TP HCM về công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đoàn công tác đánh giá thành phố chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác cách đây nhiều năm, qua đó định hướng người dân phân loại rác theo công nghệ đốt rác phát điện là đúng đắn. Thành phố phân loại tốt thì tái chế tốt, vì vậy cần quan tâm để hình thành doanh nghiệp tái chế mạnh.
Nhìn ra thế giới
Nhiều quốc gia từ lâu đã thiết lập hệ thống phân loại rác từ nguồn rất chi tiết, chặt chẽ khi quy định màu của túi đựng rác tương ứng với tính chất rác. Đối với việc thu gom, các nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... lên lịch nghiêm ngặt cho từng loại rác. Rác không phân loại đúng hoặc bỏ sai ngày sẽ bị từ chối thu gom, thậm chí có thể bị phạt. Phí thu gom rác cũng được nhiều nước tính toán kỹ lưỡng, chủ yếu theo hướng thải rác càng nhiều, phí trả càng cao.
Người dân bỏ rác thải thực phẩm ở Hàn Quốc, nơi gần 100% loại rác thải này được tái chế .Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Trong khi các hộ gia đình ở Đức trả phí dựa trên loại và dung tích thùng rác thì hộ gia đình Thụy Điển thường trả phí tính theo khối lượng rác hoặc số lần thu gom. Cũng ở 2 quốc gia này, rác tái chế và hữu cơ thường được thu gom miễn phí hoặc rất rẻ để khuyến khích phân loại.
Một số khu vực ở Hàn Quốc cũng cân rác thực phẩm và tính phí theo khối lượng; nhiều chung cư lắp đặt máy tái chế rác thực phẩm thông minh và cho phép người dân dùng thẻ từ hoặc ứng dụng để tính phí. Nhật Bản tính phí xử lý rác trong tiền túi rác chuyên dụng - ví dụ tại TP Inagi ở ngoại ô thủ đô Tokyo, phí mua túi rác dao động từ 8-80 yen tùy kích cỡ. Riêng rác cồng kềnh phải đăng ký trước với chính quyền địa phương bằng điện thoại hoặc qua internet và trả phí riêng - mua tem phí tại các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, dao động từ 250 - 500 yen - theo kích thước hoặc loại vật dụng.
Hải Ngọc