TP.HCM định hình liên kết chiến lược với 'thung lũng Silicon' của Phần Lan
Ngày 21/5, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp Lần thứ Tư tại TP.HCM (HCMC C4IR) đã tổ chức buổi làm việc với đoàn công tác thành phố Tampere (Phần Lan), nhằm chuẩn bị cho việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa chính quyền hai thành phố, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.
Đoàn công tác Tampere do ông Jouni Markkanen - Phó Thị trưởng thành phố dẫn đầu, cùng đại diện Sở Thương mại Tampere, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần Lan và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam.
Phía Việt Nam có ông Lê Trường Duy - Giám đốc HCMC C4IR, cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.

Ông Jouni Markkanen - Phó thị trưởng thành phố Tampere. Ảnh: HCMC C4IR
Tại buổi làm việc, hai bên tập trung trao đổi về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm: sản xuất thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng mới, logistics và phát triển đô thị thông minh.
Trong lĩnh vực sản xuất thông minh, hai bên ghi nhận sự tương đồng về nhu cầu chuyển đổi và khả năng bổ trợ lẫn nhau. HCMC C4IR hiện đang phát triển bộ công cụ đánh giá năng lực chuyển đổi số trong sản xuất, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2025.
Đây sẽ là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi số, đồng thời đóng vai trò như một sàn giao dịch công nghệ mở, tạo điều kiện để doanh nghiệp Phần Lan tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả hơn.
Một hướng hợp tác khác được đánh giá cao là ứng dụng vật liệu xây dựng mới, gắn liền với mục tiêu phát triển đô thị bền vững. TP.HCM bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các giải pháp vật liệu tiên tiến trong xây dựng hạ tầng.
Phía Tampere chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ một doanh nghiệp Phần Lan với hơn 65 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nổi bật với mô hình tích hợp toàn diện, từ thiết kế, sản xuất cấu kiện đúc sẵn theo chuẩn quốc tế tại nhà máy, đến quản lý vòng đời công trình bằng công nghệ số, kết hợp mô hình BIM 3D-4D và trí tuệ nhân tạo.
TP.HCM đang xem xét triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian tới như một bước đi cụ thể trong hợp tác thực chất giữa hai thành phố.
TP.HCM đặt mục tiêu hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách hỗ trợ vốn mồi, xây dựng mạng lưới, tổ chức giải thưởng và chương trình đào tạo. Trong khuôn khổ đó, Saigontel dự kiến tổ chức Ngày Đổi mới Mở vào cuối tháng 10 tới, với quy mô tiếp nhận và sàng lọc 300 - 500 start-up.

Đại diện HCMC C4IR và đoàn công tác thành phố Tampere (Phần Lan). Ảnh: HCMC C4IR
Việt Nam kỳ vọng học hỏi kinh nghiệm từ Phần Lan, quốc gia được xem là “thung lũng Silicon” của Bắc Âu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, nhằm thúc đẩy dòng chảy tri thức và liên kết khởi nghiệp hai chiều.
Theo định hướng này, start-up Việt có thể sang Tampere tham quan, kết nối và học tập, trong khi các start-up Phần Lan được khuyến khích đến Việt Nam thử sức với các bài toán thực tiễn trong thị trường mới nổi.
Hai bên thống nhất phương thức hợp tác theo mô hình “cùng nghiên cứu, cùng triển khai, cùng làm”, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp. Đây được xem là nền tảng vững chắc để cụ thể hóa các ý tưởng hợp tác thành các chương trình hành động hiệu quả.
Đoàn Tampere cũng được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) diễn ra vào cuối tháng 11/2025. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp và tổ chức Phần Lan trình bày các sản phẩm công nghệ tiên tiến, tham gia đối thoại chính sách về trí tuệ nhân tạo và mở rộng mạng lưới kết nối với cộng đồng start-up Việt Nam.
Buổi làm việc được đánh giá là bước khởi động quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác cấp thành phố giữa TP.HCM và Tampere. Đồng thời, TP.HCM bày tỏ nguyện vọng tham gia vào Mạng lưới Thành phố Thông minh do Tampere khởi xướng, nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập và nâng cao vị thế thành phố trên trường quốc tế.