Phát triển thị trường vốn để mở rộng cơ hội huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế

Phát biểu thảo luận ở tổ chiều nay về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Quốc hội đoàn Tuyên Quang Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh đồng tình với với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà

Đứng trước những khó khăn trong việc huy động vốn ngắn hạn, đại biểu cũng đề xuất một hướng đi mới cho thị trường vốn. Từ việc tháo gỡ nghẽn tắc ở các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm đến việc tăng trưởng tín dụng, bài phát biểu chỉ ra những giải pháp cần thiết để mở rộng nguồn cung vốn, đảm bảo nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và ổn định hơn.

Về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu đánh giá cao giải pháp của Chính phủ về “Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện”.

Đây là giải pháp phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119. Theo đó, công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, xây dựng cơ chế thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi của văn bản pháp luật. Do vậy, đề nghị việc rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung thêm mục đích là nhằm phát hiện, chỉnh sửa, xử lý những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, mà không chỉ dừng ở việc nhằm phát hiện văn bản có vi phạm như trong dự thảo Luật ban hành văn bản đang nêu, hoặc đề nghị có thể bổ sung nội dung này vào Nghị quyết.

Đối với giải pháp “Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết; không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật mới không phù hợp, làm tăng chi phí, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”. Đại biểu cho rằng, theo định hướng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật tại Kết luận số 119 của Bộ Chính trị thì Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc, cơ bản không quy định thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ, mà nội dung này sẽ quy định tại các văn bản dưới luật. Như vậy sẽ rất nhiều đầu mối xây dựng các văn có quy định thủ tục hành chính, do vậy cần đưa nguyên tắc văn bản dưới luật không được làm phát sinh thủ tục hành chính, phát sinh thêm giấy tờ con vào Nghị quyết hoặc phải bổ sung vào nguyên tắc trong dự thảo Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (sửa đổi) để thực hiện thống nhất trong đơn vị, đảm bảo không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Về thị trường vốn, theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, hiện nay vốn của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng, gây khó khăn cho nền kinh tế và áp lực rủi ro cho hệ thống ngân hàng, hiện nguồn vốn huy động của Ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu tín dụng trung dài hạn của nền kinh tế rất lớn, trong khi thị trường trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm là những thị trưởng chủ yếu huy động vốn trung dài hạn thì đang gặp khó khăn, không phải là kênh huy động vốn chủ yếu cho doanh nghiệp, do vậy cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư để mở rộng nguồn cung vốn cho nền kinh tế.

Về tăng trưởng tín dụng, đồng tình với giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Để tăng tín dụng, khơi thông nguồn vốn đại biểu cho rằng cần xuất phát từ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, do vậy cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân (theo báo cáo của Chính Phủ thì tháng 01/2025 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 01/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp).

Đại biểu cũng đề nghị có sự quan tâm đúng mực đối với vấn đề nợ xấu, hiện nay đang có lỗ hổng pháp lý đối với công tác xử lý nợ xấu do Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành cũng ko quy định. Với định hướng tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và các năm tiếp theo là tăng trưởng 2 con số thì nhu cầu tăng trưởng tín dụng sẽ rất lớn, điều này vừa thuận lợi cho các Tổ chức Tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu nếu không có cơ chế pháp lý xử lý nợ xấu phù hợp. Do vậy, đề nghị xem xét ban hành quy định về xử lý nợ xấu sớm, không để khi vấn đề nợ xấu trở nên là vấn đề nóng mới ban hành.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-thi-truong-von-de-mo-rong-co-hoi-huy-dong-von-dai-han-cho-nen-kinh-te-160504.html
Zalo