Phát triển quỹ ETF bằng các sản phẩm mới
Một trong những giải pháp chính để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài là phát triển các sản phẩm mới.
TS. Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)

TS. Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường cần có thêm các bộ chỉ số đại diện phổ quát và doanh nghiệp niêm yết mới thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau. Đây là cơ sở để triển khai các quỹ ETF đầu tư theo chủ đề (thematic) và các bộ chỉ số theo ngành. Theo đó, cơ quan quản lý nên xây dựng nhóm sản phẩm ETF cốt lõi cho thị trường và theo ngành phù hợp với thế mạnh của Việt Nam. Ví dụ, khuyến khích các doanh nghiệp FDI niêm yết (ETF FDI), ETF chuyên về cổ tức, thu nhập cố định, ETF ngành ngân hàng, bất động sản và ETF hàng hóa (vàng, nông sản). Bên cạnh đó, hợp tác với MSCI, FTSE để phát triển chỉ số thematic - cơ sở để triển khai các ETF theo từng chủ đề riêng biệt như Fintech, Robot, AI, Big Data.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cấp hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin (KRX, CCP, ứng dụng blockchain, token hóa chứng khoán, cơ chế thử nghiệm sandbox các sản phẩm mới…) nhằm tăng khả năng xử lý lệnh và tạo tiền đề triển khai các sản phẩm mới như bán khống, bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày, rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+2 xuống T+1, thậm chí T+0.

Đồng thời, cập nhật, thay đổi các quy định pháp lý nhằm đáp ứng kịp thời xu hướng thay đổi của thị trường và tiêu chuẩn của thị trường mới nổi. Để tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực, các quy định pháp lý cần được thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa, tháo gỡ các “điểm nghẽn” khi vận hành thị trường, nhất là các khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư gặp phải.
Vấn đề trọng tâm khác là gỡ nút thắt room ngoại (giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài). Nhà điều hành cần tham khảo thị trường Thái Lan khi đã triển khai thành công chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) từ năm 2000 - 2001, tạo kênh đầu tư thay thế cho nhà đầu tư nước ngoài với các cổ phiếu hết room. NVDR giúp khối ngoại nhận được lợi ích từ cổ phiếu (cổ tức, giá tăng) mà không vướng hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với các cổ phiếu đã chạm tới giới hạn theo quy định. Nếu Việt Nam triển khai và đưa NVDR vào vận hành thành công, điều này sẽ mở ra cơ hội cho các quỹ ETF nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài khác nói chung có cơ hội sở hữu những doanh nghiệp tốt.

Hướng đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có nhiều nét tương đồng với Thái Lan giai đoạn trước khi áp dụng NVDR. Trong đó, nếu giải quyết được bài toán room ngoại thông qua cơ chế NVDR, thị trường sẽ đáp ứng được tiêu chí của MSCI và FTSE về “mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”, giúp thu hút dòng vốn lớn đầu tư vào các doanh nghiệp chất lượng, các quỹ chủ động, quỹ ETF có thể gia tăng quy mô, thanh khoản thị trường được cải thiện…
Trong việc phát triển thị trường ETF, gia tăng thanh khoản bằng cách phát triển mạng lưới nhà tạo lập thị trường (market maker) và thành viên lập quỹ (AP); cho phép bán khống và có cơ chế vay mượn chứng khoán (SBL); tăng cường nhận thức và phổ biến sản phẩm ETF đến nhà đầu tư.
Đồng thời, tăng cường vai trò của nhà đầu tư tổ chức trên thị trường thông qua phát triển quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm…, hướng sự phân bổ đầu tư vào các sản phẩm ETF; thu hút thêm các quỹ đầu tư nước ngoài với các sản phẩm ETF nội địa, cho phép ETF Việt Nam có thể giao dịch trên các nền tảng quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 17 quỹ ETF nội địa niêm yết, tham chiếu theo 7 bộ chỉ số gồm VN30, VN-Midcap, VN-100, VN-Diamond, VN-Finlead, VN-FinSelect, VNX-50. Tuy nhiên, tính thanh khoản và quy mô tập trung vào các ETF do Dragon Capital và SSI quản lý, tham chiếu 3 bộ chỉ số: VN-Diamond, VN-30, VN-Finlead.
Tham chiếu một số thị trường trong khu vực
