Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế làm việc với Ủy ban Paralympic Việt Nam
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Ủy ban Paralympic Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Andrew Parsons, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế.
Ủy ban Paralympic Việt Nam với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam ra đời năm 1995. Suốt chặng đường 30 năm qua, phong trào thể dục, thể thao của người khuyết tật phát triển mạnh ở nhiều địa phương. 45/63 tỉnh, thành phố có quan tâm chỉ đạo phát triển phong trào; 33-35 tỉnh, thành phố thường xuyên có vận động viên tham dự các hội thi, giải đấu toàn quốc, thu hút 1.300 vận động viên tham gia ở mỗi năm, số người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục thể thao hơn 25.000 người.

Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế làm việc với Ủy ban Paralympic Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Ủy ban Paralympic Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban Paralympic thế giới như: Hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ thể dục thể thao để phát triển thể thao cộng đồng; hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm duy trì bộ máy của ủy ban; hỗ trợ hoạt động phong trào Paralympic thông qua các dự án; hỗ trợ các vận động viên tham dự các giải quốc tế để lấy chuẩn hướng đến Paralympic 2028 tại Mỹ; hỗ trợ về chuyên môn cho bác sĩ khám bệnh thương tật được tập huấn quốc tế để về phục vụ khám thương tật trong nước...
Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons cho biết: “Thông qua buổi làm việc này giúp tôi hiểu được các hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật Việt Nam, thấy được những khó khăn của người khuyết tật Việt Nam. Trong thời gian tới, Ủy ban Paralympic Quốc tế cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật Việt Nam được tiếp cận với thể thao và thông qua các hoạt động thể thao để hòa nhập. Còn đối với việc hỗ trợ hoạt động phong trào Paralympic thông qua các dự án, Việt Nam cần đề xuất trực tiếp với người quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với vấn đề phân loại thương tật là một trong những việc khó nhất, Việt Nam hoàn toàn có thể tự làm được trong nước”.