Trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án trọng điểm quốc gia

Trong dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân vừa trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất mở rộng quyền tham gia doanh nghiệp tư nhân vào dự án trọng điểm quốc gia qua đầu tư trực tiếp, đối tác công tư hoặc đấu thầu hạn chế.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN

Sáng nay (15-5), Quốc hội đã lắng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, TTXVN đưa tin.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết, nhấn mạnh mục tiêu thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68-NQ/TW nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Dự thảo chia theo 5 nhóm chính sách, gồm cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; tăng khả năng tiếp cận vốn và mua sắm công; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa, lớn và tiên phong vươn tầm khu vực, quốc tế.

Trong đó, hoạt động hanh tra, kiểm tra không quá một lần/năm, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ; ưu tiên thanh tra từ xa, miễn kiểm tra thực tế với doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Việc xử lý vi phạm theo hướng phân định rõ trách nhiệm, ưu tiên biện pháp dân sự, kinh tế, không hồi tố, bảo đảm suy đoán vô tội. Doanh nghiệp phá sản được xử lý theo thủ tục rút gọn, giảm tối thiểu 30% thời gian.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất các giải pháp hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất như cho phép địa phương dùng ngân sách đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; chủ đầu tư được hỗ trợ phải dành quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo thuê.

Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất công chưa sử dụng.

Chính phủ cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn cho dự án xanh, tuần hoàn, ESG; mở rộng đối tượng và chức năng của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các chi phí R&D được tính vào chi phí được trừ với hệ số 200% so với chi phí thực tế. Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề ra hai nhóm chính sách để đến năm 2030 có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhóm đầu tiên là tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm quốc gia thông qua đầu tư trực tiếp, đối tác công tư hoặc hình thức hợp tác khác.

Các dự án được thực hiện theo hình thức đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng tiến độ.

Nhóm thứ hai là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa, lớn và tập đoàn kinh tế tư nhân bằng hai chương trình, gồm phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu trong công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, phân phối và tư vấn pháp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi ủng hộ việc ban hành nghị quyết theo trình tự rút gọn, cần thiết để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị rà soát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng theo nghị quyết của Đảng và Bộ Chính trị. Ủy ban cũng tán thành phạm vi điều chỉnh và đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết 68 trong văn kiện khác trình Quốc hội kỳ họp 9.

Bình Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trinh-quoc-hoi-cho-phep-doanh-nghiep-tu-nhan-tham-gia-du-an-trong-diem-quoc-gia/
Zalo