Phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Bước vào năm 2025, Bình Dương tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm qua, đồng thời tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đối với lĩnh vực năng lượng, Bình Dương quan tâm phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư mô hình điện mái nhà

Sớm tháo gỡ

những bất cập Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030; là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; cũng là năm tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ cao, logistics và đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo Bình Dương, cho biết theo quy định tại Nghị định số 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ, điện mặt trời mái nhà lắp tại hộ gia đình, công sở được coi là thiết bị công nghệ nhưng chưa có quy định rõ ràng đối với hệ thống lắp tại nhà xưởng công nghiệp và trung tâm thương mại. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp phải xin giấy phép xây dựng, gây khó khăn và làm chậm tiến độ phát triển điện mặt trời mái nhà, ảnh hưởng đến mục tiêu đạt 50% mái nhà dân và công sở có điện mặt trời vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Nghị định số 80/2024/NĐ- CP của Chính phủ yêu cầu đơn vị phát điện năng lượng tái tạo phải có công suất tối thiểu 10MW mới được tham gia mua bán điện trực tiếp, trong khi các nhà xưởng tại khu công nghiệp hiện nay khó có thể lắp đặt theo công suất này. Điều này làm hạn chế khả năng tham gia của doanh nghiệp. Về những vướng mắc này, ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương đã tổng hợp gửi Bộ Công thương, đồng thời đề xuất bổ sung quy định công nhận điện mặt trời mái nhà tại các công trình công nghiệp là thiết bị công nghệ, giúp đơn giản hóa thủ tục. Hiện nay, các sở, ban, ngành liên quan đang phối hợp tăng cường phổ biến thông tin và hướng dẫn triển khai nhằm bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chính sách.

Theo ông Jesper Hassellund Mikelsen, Phó Chủ tịch cấp cao khối sản xuất châu Á Tập đoàn Lego (Đan Mạch), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III), Tập đoàn Lego đang phối hợp với Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore để nghiên cứu phương án dự trữ năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy. Lego mong muốn sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để dự án sớm hoàn thành, hoạt động hiệu quả.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ nội dung Quyết định số 222/QĐ-TTg để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 nêu rõ, ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao khả năng chống chịu, phục hồi cho nền kinh tế, tạo ra đột phá trong phát triển, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới.

Hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phát triển bền vững. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, gồm hỗ trợ thực hiện thiết kế sinh thái để đạt tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất là giải pháp hiệu quả để thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), cho biết trong thời gian tới Biwase sẽ tiếp tục có nhiều dự án nghiên cứu, phát triển điện mặt trời nhằm kéo giảm chi phí tiền điện, góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng năng lượng bền vững, phát triển theo đúng định hướng xanh, bền vững.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà nối lưới đạt 185MW. Đối với các khu công nghiệp, nhu cầu điện mặt trời tự sản xuất và tiêu thụ kết hợp với hệ thống lưu trữ năng lượng dự kiến đạt 3.200MW vào năm 2030 và tăng lên 5.359MW vào năm 2050. Ngoài khu công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình cũng có tiềm năng phát triển điện mặt trời, phấn đấu đạt công suất 3.200MW vào năm 2030.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-trien-nang-luong-tai-tao-thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-a341516.html
Zalo