Phát triển kinh tế sau Đồng thuận Washington(*)
Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, các quốc gia đang phát triển cần phải theo một khung chính sách mới nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô, tận dụng công nghệ để tăng trưởng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng cũng như chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Không điều nào trong số này có thể thực hiện được với tư duy 'mỗi quốc gia cho chính mình'.

Các khảo sát quốc tế cho thấy chỉ có 15% gia tộc kinh doanh ở Việt Nam và châu Á chuẩn bị kỹ càng cho kịch bản chuyển giao quyền lực điều hành và phát triển sản nghiệp gia đình.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng
Các quốc gia đang phát triển hiện đối mặt với ba hạn chế lớn: sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, sự thu hẹp của không gian chính sách kinh tế vĩ mô và sự đột phá sâu sắc của công nghệ. Vì chủ nghĩa tân tự do “Đồng thuận Washington” - khung chính sách kinh tế chi phối trong nửa thế kỷ nay - không còn phù hợp nữa, một mô hình mới cần được thiết lập để định hướng phát triển trong những năm tới.
Trong những năm gần đây, thương mại tự do, từng là nền tảng của hợp tác quốc tế, đã nhường chỗ cho việc tăng thuế quan, trợ cấp công nghiệp quy mô lớn và “tách rời” kinh tế. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là ví dụ điển hình cho xu hướng này, với mức thuế trung bình tăng mạnh kể từ năm 2018. Giờ đây, khi ông Donald Trump, người tự xưng là “người đàn ông thuế quan”, trở lại Nhà Trắng, đảo ngược chuyện này là điều khó xảy ra. Và không chỉ có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp dụng thuế quan, bao gồm cả đối với xe điện Trung Quốc, với lý do trợ cấp không công bằng.
Hơn nữa, các quốc gia ngày càng theo đuổi các chiến lược công nghiệp như một phương tiện để củng cố các lĩnh vực chiến lược. Tất nhiên, Trung Quốc, với mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt, từ lâu đã dựa vào chính sách công nghiệp, là cơ sở của kế hoạch “Made in China 2025”, ra đời vào năm 2015. Nhưng ngay cả các nền kinh tế tiên tiến - nơi luôn ủng hộ thị trường tự do trong quá khứ - hiện cũng đang chấp nhận những can thiệp vào thị trường như vậy. Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ, chẳng hạn, bao gồm 52,7 tỉ đô la Mỹ tài trợ cho phát triển chất bán dẫn. Và EU đã có chiến lược công nghiệp riêng của mình.
Chiến lược thay thế mà Rodrik và Stiglitz đề xuất tập trung vào một quá trình chuyển đổi xanh toàn diện và tăng năng suất trong các dịch vụ thâm dụng lao động.
Những chiến lược như vậy được thiết kế để củng cố an ninh kinh tế, nhưng chúng cũng làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và dẫn đến sự phân mảnh chuỗi giá trị. Đối với các quốc gia đang phát triển, điều này vừa mang lại nhiều thách thức vừa tạo ra nhiều cơ hội. Sự liên kết ngày càng tăng của thương mại với động lực địa chính trị - bao gồm cả việc thúc đẩy “friend-shoring” - có thể cho phép một số quốc gia thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng các quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên và các quốc gia kém phát triển nhất phải đối mặt với nhu cầu xuất khẩu giảm cũng như phải đối phó với bất ổn kinh tế càng gia tăng.
Trong khi đó, khả năng của các quốc gia đang phát triển trong việc triển khai các phản ứng về chính sách tài khóa và tiền tệ bị hạn chế nghiêm trọng. Các cuộc khủng hoảng liên tiếp - bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, đại dịch Covid-19 và các cú sốc giá hàng hóa khác nhau - đã làm xói mòn các bộ đệm tài khóa. Áp lực nhân khẩu học, từ những người trẻ cần việc làm đến dân số già hóa, đè nặng lên ngân sách công. Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi các khoản đầu tư đáng kể. Và một số quốc gia phải tăng chi tiêu cho quốc phòng để đối phó với căng thẳng địa chính trị gia tăng. Các khoản thanh toán nợ vẫn còn là một gánh nặng lớn, bị làm trầm trọng thêm do mức lãi suất toàn cầu cao.
Hơn nữa, lãi suất toàn cầu cao đang buộc các quốc gia đang phát triển phải tăng lãi suất để giảm thiểu dòng vốn chảy ra và sự mất giá của đồng tiền, gây nên những tác động bất lợi đến đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Làm cho mọi chuyện càng tồi tệ hơn là sự độc lập của ngân hàng trung ương ở một số quốc gia đã bị suy giảm - một xu hướng làm suy yếu khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc kiểm soát lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế.
Tất cả những điều này đang diễn ra trong khi những thay đổi công nghệ nhanh chóng đang phá vỡ các mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống. Trong quá khứ, sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển được tạo ra do chuyển đổi cơ cấu - việc phân bổ lại các tài nguyên từ các lĩnh vực có năng suất thấp sang lĩnh vực có năng suất cao, chẳng hạn như từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ở châu Phi, động lực này chiếm 74% tăng trưởng năng suất trước năm 2008.
Tuy nhiên, như Dani Rodrik và Joseph E. Stiglitz đã nhận định mới đây, chuyển đổi cơ cấu hiện nay không còn có thể đạt được thông qua công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, đặc biệt là do sản xuất đã trở nên thâm dụng kỹ năng và vốn hơn trước đây. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, gánh nặng nợ nần gia tăng, phi toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu (ảnh hưởng đến các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp) càng làm suy yếu cách tiếp cận này.
Chiến lược thay thế
Chiến lược thay thế mà Rodrik và Stiglitz đề xuất tập trung vào một quá trình chuyển đổi xanh toàn diện và tăng năng suất trong các dịch vụ thâm dụng lao động. Tuy nhiên, mặc dù cách tiếp cận này có triển vọng, nó đòi hỏi năng lực rất lớn của khu vực công để hỗ trợ đổi mới trong khu vực tư nhân và thử nghiệm chính sách. Một khung chính sách toàn diện hơn, có khả năng lấp đầy khoảng trống do Đồng thuận Washington để lại, sẽ phải bắt đầu với ba ưu tiên chính.
Thứ nhất, các nền kinh tế đang phát triển phải củng cố khả năng chống chịu vĩ mô của mình. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ cần tăng cường các khuôn khổ tài khóa nhằm xây dựng các bộ đệm (buffers) vĩ mô vững chắc hơn; thực hiện các chế độ mục tiêu lạm phát (inflation targeting) để thúc đẩy sự ổn định giá cả; và áp dụng các chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, có thể đóng vai trò như một “bộ giảm sốc” trước những biến động từ bên ngoài.
Thứ hai, các quốc gia đang phát triển cần tận dụng công nghệ để nâng cao năng suất, nhất là vào khu vực tư nhân. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả và minh bạch trong các dịch vụ của chính phủ, công nghệ số có thể mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, hỗ trợ đổi mới thông qua việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đồng thời chuyển đổi các lĩnh vực quan trọng như y tế và nông nghiệp.
Cuối cùng, các chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thông qua chuyển đổi cơ cấu. Mặc dù khu vực dịch vụ có tiềm năng tạo việc làm, nhưng chỉ riêng khu vực này không thể hấp thụ hàng triệu lao động trẻ, đặc biệt là những người lao động chưa có kỹ năng hoặc có kỹ năng thấp, gia nhập thị trường lao động ở các nước đang phát triển mỗi năm. May mắn thay, một số ngành thâm dụng lao động, chẳng hạn như kinh doanh nông nghiệp và sản xuất dệt may, vẫn là những nguồn tạo việc làm và tăng trưởng khả thi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Sản xuất xanh và ngành dược phẩm cũng mang lại những hướng đi đầy hứa hẹn cho quá trình công nghiệp hóa. Các khu kinh tế đặc biệt, quy hoạch sử dụng đất chiến lược và hệ sinh thái khởi nghiệp năng động hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và tạo việc làm. Các nền kinh tế đang phát triển cũng có thể cần thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trước làn sóng hàng hóa Trung Quốc bị chuyển hướng từ Mỹ và EU. Những biện pháp này cần đảm bảo tính minh bạch, có thời hạn và tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần tránh tư duy “mỗi quốc gia cho chính mình”. Mặc dù Đồng thuận Washington có những kết quả trái chiều, tiếp cận này nhấn mạnh sự tham gia và hợp tác quốc tế. Để xây dựng các nền kinh tế bền vững và bao hàm hơn trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, các quốc gia đang phát triển phải tiếp cận các quan hệ đối tác, chia sẻ kiến thức và theo đuổi sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế.
(*) Bài viết này là tóm tắt của một bài viết đăng ở Le Grand Continent bằng ba thứ tiếng: Pháp, Anh, và Ý cũng như được đăng trên Project Syndicate khắp thế giới. TS. Karim El Aynaoui là Chủ tịch điều hành của Trung tâm Chính sách cho các nước đang phát triển ở Rabat, Morocco, Phó viện trưởng kiêm Chủ tịch điều hành của Đại học Bách khoa Mohammed VI và Trưởng khoa cụm Nhân văn, Kinh tế và Khoa học xã hội của trường; TS. Đinh Trường Hinh là cựu kinh tế gia trưởng tại Văn phòng Phó chủ tịch cấp cao và kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới, hiện là thành viên cao cấp Trung tâm Chính sách cho các nước đang phát triển, và là Chủ tịch Công ty Economic Growth and Transformation, LLC. tại Virginia, Mỹ.