Hành trình hướng thiện
Trong cuộc sống, đôi khi vì sự bồng bột của tuổi trẻ, sự cám dỗ, nóng giận nhất thời mà nhiều người vướng vào vòng lao lý. Sau những ngày tháng chấp hành án tại nơi giam giữ, ước mơ của họ là được trở về với gia đình, có công việc làm ổn định và tái hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù chính là điểm tựa vững chắc, giúp người hoàn lương vươn lên.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tháp Mười giải ngân số vốn 100 triệu đồng cho cá nhân vay vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ
Từng là người chồng, người cha mẫu mực, có cuộc sống ổn định, thế nhưng trò đen đỏ đã làm mờ tâm trí ông Lại Văn Bê (ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười), khiến ông lao vào như con thiêu thân. Đến khi phải trả giá bằng bản án, ông mới hối tiếc, ân hận vì sai lầm của mình.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về với gia đình, ông quyết tâm làm lại cuộc đời để lấy lại niềm tin yêu của gia đình và bà con lối xóm. Dù đã ở độ tuổi U60 nhưng với bản tính chịu thương, chịu khó, ông không ngại thức khuya, dậy sớm lao động bằng chính đôi tay của mình. Thấy được sự chăm chỉ và nỗ lực vươn lên của ông Bê, chính quyền địa phương luôn ân cần thăm hỏi, động viên. Qua đó, biết được ông vừa làm ruộng vừa đi cày xới đất thuê nhưng phương tiện đã cũ, thường xuyên hư hỏng và mong muốn có một số vốn để đổi phương tiện mới, tăng thêm giờ lao động, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Nhờ có chính sách của Chính phủ, sự bảo lãnh của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng Công an cơ sở, ngày 26/4/2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tháp Mười đã giải ngân số tiền 100 triệu đồng cho ông Lại Văn Bê. Ông rất phấn khởi, bởi đây là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh để ông vực dậy sau “vấp ngã”, chuyên tâm làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Lại Văn Bê (bìa trái) phấn khởi chia sẻ với chính quyền địa phương về hiệu quả làm ăn sau khi được hỗ trợ vay vốn tái hòa nhập cộng đồng
Có số vốn, ông mạnh dạn mua thêm 1 máy cày đã qua sử dụng. Cùng con trai chăm chỉ làm ăn và nhờ sự động viên của gia đình, 3 vụ lúa vừa qua, trừ hết các chi phí, ông còn lãi 300 triệu đồng. Ông Bê tâm sự: “Địa phương xét cho tôi là hộ làm ăn có phát triển, tương đối ổn định. Bây giờ cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”.
Phạm nhân Đặng Thành Hiếu chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh nỗ lực cải tạo để được xem xét đặc xá của Chủ tịch nước (dịp lễ 30/4). Được biết, năm 2022, do vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm 1 người tử vong, Hiếu bị Tòa án nhân dân TP Sa Đéc kết án 3 năm tù giam. Trong những ngày tháng chấp hành án tại nơi giam giữ, Hiếu luôn cảm thấy hối tiếc, day dứt vì những gì mình gây ra. Sau những dằn vặt, Hiếu tìm đến sách để chiêm nghiệm lại đời mình. Được sự động viên, giáo dục của cán bộ Công an, Hiếu dần hiểu ra và tích cực cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. Phạm nhân Đặng Thành Hiếu đã được xem xét đặc xá trong dịp lễ 30/4/2025.
Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho những người từng lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, các đối tượng này có thể được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Mức vốn vay tối đa là 100 triệu đồng/người, thời hạn vay tối đa là 5 năm. Để được vay vốn, cần đáp ứng một số điều kiện như: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; có xác nhận của chính quyền địa phương về việc đã chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù sẽ được cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bà Trần Thanh Trúc - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Từ khi triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu vốn vay đối với người chấp hành xong án phạt tù và tham mưu UBND tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phân bổ nguồn vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời tiếp cận, tư vấn và tạo thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Song song với công tác giải ngân, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khảo sát, kiểm tra sử dụng vốn vay, kết quả kiểm tra cho thấy, đa số người chấp hành xong án phạt tù sau khi nhận vốn vay về sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả nguồn vốn”.
Từ khi triển khai, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân cho 213 lượt người chấp hành xong án phạt tù với số tiền trên 15 tỷ đồng, trong đó đã có 6 trường hợp hoàn vốn. Việc được vay vốn theo Quyết định số 22 là cơ hội để người được đặc xá có thể khởi nghiệp, tạo dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự nỗ lực, quyết tâm và sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng. Sau tất cả những lỗi lầm, gia đình, xã hội cần có cái nhìn cởi mở, đồng hành cùng người hoàn lương để họ không còn thấy đơn độc trên con đường hướng thiện.