Phát triển điện năng để đất nước tăng trưởng 'hai con số'
Muốn có 1% tăng trưởng thì cần phải có 1,5% phát triển công suất của hệ thống điện.
Chiều 14/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đại biểu (ĐB) Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong các công trình đã có chủ trương từ năm 2009 và năm 2016, do các điều kiện kinh tế-xã hội lúc đó nên chúng ta dừng lại. Ngày 30/11/2024, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết 174 tái khởi động dự án này.
![Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479260/ac9b06f434badde484ab.jpg)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)
Ông Thi thông tin, theo kế hoạch, tháng 5/2025 Chính phủ sẽ trình việc điều chỉnh chủ trương và trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), chủ yếu phục vụ triển khai dự án này. Chính phủ đặt ra thời gian xây dựng nhà máy trong khoảng 5 năm song Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị khá dài.
![ĐBQH Nguyễn Phi Thường phát biểu tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479260/20348e5bbc15554b0c04.jpg)
ĐBQH Nguyễn Phi Thường phát biểu tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)
ĐB Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 đồng nghĩa với việc muốn có 1% tăng trưởng cần phải có 1,5% phát triển công suất của hệ thống điện.
Theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến cần khoảng 80 ngàn MW để đảm bảo phát triển trong năm 2025, nhưng đến năm 2030, phải nâng công suất gấp đôi, khoảng 150 ngàn MW. Nếu không đảm bảo được công suất này thì các mục tiêu tăng trưởng, nhất là mục tiêu tăng trưởng hai con số sẽ rất khó đạt được.
Tán thành với các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, song theo ông Thường, điện hạt nhân yêu cầu cao về công nghệ. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ, có nguồn nhân lực để tiếp quản khai thác, vận hành đều là những vấn đề rất lớn và chúng ta phải chuẩn bị. Quá trình triển khai phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác mà Việt Nam sẽ chọn.
Ông Thường kiến nghị cần trao đầy đủ thẩm quyền cho Thủ tướng và Chính phủ trong việc thương lượng, làm việc với các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp dự kiến được giao vai trò chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải được danh chính ngôn thuận, đủ thẩm quyền để có thể thương lượng với các đối tác.