Phát triển cây xanh đô thị đảm bảo an toàn, phù hợp và hiệu quả
Cây xanh đô thị được coi là một trong những tiêu chuẩn, tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ phát triển về hạ tầng cơ sở, kiến trúc cảnh quan của một đô thị. Một hệ thống cây xanh được quản lý hiệu quả không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.
Thành phố Cao Bằng được nhiều du khách đánh giá là một thành phố nhỏ, xinh đẹp và trữ tình. Không chỉ đẹp bởi phong cảnh hữu tình, Thành phố còn có nhiều cây xanh được trồng từ hàng trăm năm, chứa đựng giá trị về môi trường văn hóa cần được gìn giữ.
Theo ông Đinh Ngọc Hải, nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, hiện nay, những cây xanh đang phát triển trên các con đường của Thành phố có thể chia thành các giai đoạn sau: Thời kỳ đầu là những cây trồng thời Pháp thuộc (từ năm 1920 - 1930), chủ yếu là cây dã hương xen vào đó là một số cây phượng vĩ, lát hoa, cây hoa gạo, một vài cây sưa, cây đa... Số cây dã hương trồng vào thời kỳ này hiện còn 36 cây. Loại cây thứ 2 là cây xà cừ và cây thông thân to, gốc xù xì, cành lá sum suê, có cây chu vi gốc đo được 7,2 m, trồng từ những năm 1959 - 1960 vào thời điểm toàn dân hưởng ứng tết trồng cây do Bác Hồ phát động. Trên đường phố Thành phố, số cây này hiện còn khoảng 42 cây. Những hàng cây xanh đa chủng loại đang khép tán rợp bóng mát trên các hè phố đa số trồng từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX, lên đến hàng nghìn cây, có kích thước khác nhau rõ rệt. Cây xanh trên hè phố thực sự trở thành “lá phổi” xanh của đô thị, giữ vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường trong lành, mang dấu ấn văn hóa xa xưa của một thành phố lịch sử.
Để chỉnh trang, nâng cấp Thành phố, những năm gần đây, hàng loạt cây xanh được trồng thêm, đồng thời loại bỏ một số cây bản địa đã trồng từ lâu có nguy cơ gãy, đổ. Việc trồng loại cây gì là một vấn đề được cơ quan chức năng cân nhắc và thu hút sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện bộc lộ một số bất cập. Một số cây xanh trồng chưa đảm bảo phù hợp và phát huy tối ưu giá trị của cây do chưa có nội dung quy định về các bước lựa chọn cây xanh trồng trên đường phố và các khu vực công cộng trong đô thị; cây xanh được khuyến khích trồng còn ít chủng loại, chưa đa dạng, một số loài cây bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế như: cây hoa sữa có mùi hắc khó chịu, cây phượng vĩ, cây sấu, bộ rễ nổi làm hư hỏng vỉa hè và các công trình hạ tầng kỹ thuật do chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí để thiết lập, lựa chọn cây xanh đưa vào danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng, cấm trồng trên đường phố và các khu vực công cộng trong đô thị phù hợp với tỉnh; cây chết sớm, phát triển kém hoặc đòi hỏi nhiều công sức, chi phí cho việc chăm sóc, duy trì do không thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Cao Bằng, do trồng cây xanh nằm ngoài danh mục cây xanh khuyến khích trồng, cây xanh hạn chế trồng hoặc du nhập từ nước ngoài. Một số loài cây ngoại lai có thể trở thành cây xâm hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài cây bản địa và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Việc trồng cây xanh trong danh mục cây khuyến khích trồng nhưng không đúng vị trí phù hợp còn có thể phá vỡ thẩm mỹ và cảnh quan đô thị.
Nhằm phát triển hệ thống cây xanh đô thị một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro, đa dạng về loài, bảo tồn các cá thể, quần thể có giá trị và thích ứng với sự phát triển hạ tầng của đô thị, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh đã rà soát, lập biểu liệt kê các loại cây xanh được trồng, duy trì, chăm sóc trong đô thị trên địa bàn tỉnh và đánh giá thực trạng, sự phù hợp của các loại cây xanh được trồng trong đô thị trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay. Nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, đặc điểm hình thái, sinh trưởng, công dụng của các loại cây xanh và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác mua, trồng, chăm sóc và duy trì cây xanh sau khi trồng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Hòa Đàm Đình Đạo chia sẻ: Giai đoạn 2012 - 2018, huyện trồng 1.222 cây bản địa trên hè phố của thị trấn Hòa Thuận và thị trấn Tà Lùng (cây vàng anh, cây sảng, cây nhội). Đến nay, cây bản địa trên dọc tuyến đường ở 2 thị trấn của huyện sinh trưởng và phát triển tốt, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Qua đó, nhận thấy cây bản địa rất phù hợp để trồng làm cây đường phố và các khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh với ưu điểm phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, dễ trồng, tỷ lệ sống cao; tán lá xòe vừa, tạo bóng mát, ít rụng lá... Tuy nhiên, khi dùng cây bản địa trồng trên địa bàn huyện có khó khăn như: chưa chủ động được nguồn giống, chăm sóc khó khăn do chưa hiểu nhiều về đặc tính kỹ thuật...
Cây xanh được trồng đúng loại, đúng nơi sẽ tạo ra những tuyến phố, công viên, khu vực công cộng đẹp mắt, góp phần tạo cảnh quan cho đô thị. Mỗi khu vực của đô thị có thể được thiết kế với loại cây trồng đặc trưng tạo nên bản sắc riêng biệt cho đô thị, bên cạnh đó còn nâng cao chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do vậy, lựa chọn cây xanh trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh cần đảm bảo các tiêu chí về khả năng thích ứng và phát triển bền vững; khả năng điều hòa không khí và môi trường sống như tạo bóng mát, làm sạch không khí tốt, hạn chế tiếng ồn trong đô thị; đảm bảo cây được trồng không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học của địa phương. Đồng thời, cần lựa chọn loại cây trồng phù hợp với quy hoạch đô thị và quy định của pháp luật về việc trồng cây trên vỉa hè, dải phân cách hoặc khu vực công cộng, khuyến khích nghiên cứu, trồng loài cây tạo đặc trưng cho tuyến phố hoặc khu đô thị nhằm tạo bản sắc riêng, tăng nhận diện thương hiệu đô thị và nâng cao giá trị địa phương.