Để chính sách phân loại rác thải tại nguồn phát huy hiệu quả
Chỉ còn 1 tháng nữa, quy định phân loại rác thải tại nguồn sẽ có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để triển khai hiệu quả trong thực tế.
Theo khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chỉ còn 1 tháng nữa, quy định này sẽ có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để triển khai hiệu quả trong thực tế.
* Chính sách tiếp tục được hoàn thiện
Số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị thải ra hơn 38.000 tấn. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt trên 88%. Phần lớn rác thải được thu gom đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khoảng hơn 76%.
Nhận thấy rõ hiệu quả bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành 6 điều quy định rõ về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Các chuyên gia môi trường đánh giá, Luật đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng sẽ không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, việc xác định giá dịch vụ thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách.
Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Ngày 12/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024 gửi đến các cơ quan, tổ chức bộ thông tin, tài liệu gồm: Bộ nhận diện chất thải rắn sinh hoạt phục vụ công tác phân loại; Phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và phóng sự về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tới từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.
Lắng nghe, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân cũng như đánh giá bước đầu việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương, trong tháng 8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở cả 3 miền. Với sự tham gia của đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đây cũng là cơ hội để tìm kiếm những giải pháp cụ thể, sáng tạo và khả thi cho công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc.
Trong năm 2024, Bộ cũng tổ chức lấy kiến các sở ngành liên quan, các công ty môi trường đô thị, các công ty vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt… về Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
* Thí điểm để nhân rộng
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc triển khai phân loại rác tại nguồn là vấn đề khó khăn, tại quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm để có thể thực hiện thành công trên cả nước. Phân loại rác tại nguồn thường được thí điểm ở quy mô nhỏ, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai ở quy mô toàn tỉnh hoặc thành phố. Hiện nay, có 2 mô hình phân loại là phân loại tại hộ gia đình, cá nhân và phân loại tại một địa điểm tập trung, thu gom chất thải hỗn hợp, sau đó đưa về trạm trung chuyển hoặc khu xử lý để phân loại và tiếp tục xử lý.