Phát triển cây ổi lê trên vùng đất Quý Hương

Dưới sắc nắng vàng ruộm tháng 4, những cánh đồng ổi hay đồi dứa ở thị trấn Hà Long (Hà Trung) đang viết nên khúc ca lao động sản xuất hăng say của người dân nơi này. Cùng bà con địa phương thưởng thức hương vị ổi lê Quý Hương ngay tại gốc, câu chuyện kinh tế, đời sống xã hội xoay quanh nghề trồng ổi ở đây càng thêm chân thực, sinh động.

Thị trấn Hà Long là địa phương có diện tích tự nhiên lớn, chiếm 1/5 diện tích của toàn huyện Hà Trung; trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 65,6%. Hà Long có 2 hồ, đập đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất; hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng được cứng hóa 80%; đất đai phì nhiêu, màu mỡ... là những điều kiện tốt cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Hà Long có tuyến Quốc lộ 217B và Đường tỉnh 522 chạy qua; có nút giao của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nên thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa.

Những cánh đồng ổi lê xanh tốt, trĩu quả tại thị trấn Hà Long (Hà Trung).

Những cánh đồng ổi lê xanh tốt, trĩu quả tại thị trấn Hà Long (Hà Trung).

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng bán sơn địa, mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội, Nhân dân thị trấn Hà Long đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng mía, dứa kém hiệu quả sang trồng cây ổi lê.

Ổi lê là loại cây ăn quả có đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, khả năng chống chịu bệnh tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Hà Long. Giống ổi Lê có thời gian ra hoa sớm sau trồng, khả năng ra hoa tự nhiên cao, dễ đậu quả, thời gian thu hoạch ngắn.

Khi được hỏi về quy trình, kỹ thuật chăm sóc ổi lê Quý Hương, bà Đặng Thị Lài (62 tuổi, thôn Gia Miêu, thị trấn Hà Long) chia sẻ: “Ổi lê trồng được quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất thường vào mùa xuân, từ tháng 2 - 3 và tháng 4 - 5 để tận dụng nước tưới tiêu. Yêu cầu đất trồng phải tơi xốp, dễ thoát nước, tầng đất canh tác chính phải có độ dày trên 50cm; mật độ cây vừa phải. Hàng năm cần bón thêm phân hữu cơ và bồi đắp đất thịt phù sa tơi xốp cho cây. Ở vùng đất ruộng trũng phải được đào rãnh, lên luống. Ngoài việc đảm bảo nước tưới, tỉa cành tạo tán là một trong những cách chăm sóc ổi lê quan trọng, hiệu quả, cho năng suất cao. Một trong những công đoạn quan trọng nhất trong quy trình trồng, chăm sóc ổi chính là bọc quả giúp quả không bị cháy nắng, côn trùng cắn, đục... mang lại lứa quả sạch, an toàn, giá trị thương phẩm cao”.

Giống ổi lê dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3,4 lần trồng lúa, dứa.

Do hợp thổ nhưỡng, được Nhân dân trong xã trồng, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên cây ổi lê cho năng suất cao. Ổi lê trồng trên đất Hà Long quả to, đẹp, dày cùi, ít hạt, vị giòn, ngọt, hương thơm dịu nên được thị trường ưa chuộng, thương lái tìm mua tận vườn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ những kết quả ban đầu, tháng 9/2021, Hội Nông dân thị trấn Hà Long đã vận động các hộ có diện tích trồng ổi lớn liên kết với nhau, thành lập Tổ hợp tác trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP. Được sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương, Hội Nông dân huyện, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, đến tháng 11/2021, sản phẩm ổi lê do tổ hợp tác trồng, chăm sóc được chứng nhận VietGAP. Tháng 4/2022, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ thương mại Quý Hương, Hà Long đã được thành lập, trên cơ sở hoạt động của Tổ hợp tác với 15 thành viên tham gia và các thành viên liên kết sản xuất. Cuối năm 2022, Ổi lê Quý Hương đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Đến nay, toàn thị trấn Hà Long có khoảng 500 hộ trồng ổi lê, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê hương, từ chính bàn tay và kinh nghiệm của mình.

Cây ổi lê là một trong những cây trồng chủ lực, mở ra hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Cánh đồng ổi của gia đình bà Nguyễn Thị Đường (58 tuổi, thôn Gia Miêu, thị trấn Hà Long) hiện có 300 gốc ổi đang ở thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Nắng đã bắt đầu gay gắt rải thảm trên khắp diện tích trồng ổi rộng lớn, bà Đường cùng một số chủ vườn xung quanh vẫn nán lại làm cho xong việc.

Bà Đường bộc bạch: “So với cây mía, cây dứa thì việc chăm sóc cây ổi “dễ thở” hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ổi lê Quý Hương có 2 vụ chính/năm; mỗi vụ thu hoạch được khoảng 5-6 tấn ổi. Ngoài ra, chúng tôi vẫn có thể thu hoạch bán rải cả năm”. Giá bán tại gốc khoảng 10 – 20 nghìn đồng/kg, với 3 sào ổi, gia đình bà Đường thu lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng/năm”.

Để thương hiệu ổi lê Quý Hương ngày càng có sức lan tỏa, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa, hướng tới phát triển bền vững, thời gian tới, chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục tìm tòi, đổi mới, ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện kỹ thuật canh tác; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ, “mở đường” cho ổi lê Quý Hương vào các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch nhiều hơn nữa...

Cùng với đó, việc phát triển mô hình ổi lê cũng cần phải có hướng “nhìn xa trông rộng”, không làm phá vỡ quy hoạch vùng lúa, lúa nếp cái hoa vàng - cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương...

Đăng Khoa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-trien-cay-oi-le-tren-vung-dat-quy-huong-246080.htm
Zalo