Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Hiện nay, Phú Yên có 111 người có uy tín, tập trung ở địa bàn 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Những năm qua, người có uy tín luôn là chỗ dựa của buôn làng; đồng thời là cánh tay nối dài kết nối cộng đồng các DTTS với chính quyền địa phương. Công tác chăm lo cho người có uy tín luôn được các cấp ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.

Già làng, người có uy tín luôn đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng các DTTS. Ảnh: NGÔ XUÂN

Già làng, người có uy tín luôn đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng các DTTS. Ảnh: NGÔ XUÂN

Điểm tựa của buôn làng

Là người gắn bó với ông tác người có uy tín (NCUT) ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa từ nhiều năm nay, ông Kpă Viêng đã trở thành điểm tựa của người dân trong thôn. Bất cứ hoạt động lớn nhỏ nào của thôn, ông Kpă Viêng cũng có mặt đầu tiên. Nhà ai có xích mích, mâu thuẫn, vợ chồng cự cãi cũng nhờ đến ông Kpă Viêng phân xử. Mỗi hoạt động văn hóa, lễ hội của địa phương, ông luôn là người không thể thiếu. Ông cũng là người luôn tận tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải thích, tuyên truyền cho người dân trong thôn hiểu về các chương trình, chính sách mà Đảng, Nhà nước đang triển khai trên địa bàn xã, huyện. Mong muốn duy nhất của ông là các chính sách, chủ trương của Nhà nước sẽ đến được với mọi người dân, để tạo nên thật nhiều đổi thay cho vùng đất Suối Trai.

Tại xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, ông La O Đoàn ở thôn Suối Cối 2 cũng là NCUT được bà con trong thôn đặc biệt tin tưởng, yêu mến. Thời trẻ, La O Đoàn từng tham gia cách mạng. Là một cán bộ, đảng viên, La O Đoàn luôn hiểu được những chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông La O Đoàn cho biết: Thôn Suối Cối 2 từ xưa đã là vùng căn cứ cách mạng. Nếu như trước đây, bà con dân tộc Chăm ở Suối Cối luôn một lòng tin tưởng cách mạng, thì bây giờ bà con cũng một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Là NCUT, tôi luôn vận động bà con gìn giữ tốt khối đoàn kết trong cộng trồng; nhắc nhở các cháu nhỏ chăm lo học tập, không vi phạm pháp luật, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Bản thân tôi cũng luôn kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn, khó khăn trong cộng đồng dân cư. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn chủ động đề xuất chính quyền địa phương cũng như toàn cộng đồng cùng hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ vậy, nhiều năm liền thôn Suối Cối luôn giữ gìn tốt khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư; tình hình an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn luôn được đảm bảo.

Cánh tay nối dài của Đảng

Ông Ra Lan Thu, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa cho biết: Xã Cà Lúi có 7 NCUT, đều là các già làng, người đã gắn bó lâu dài với vùng đất Cà Lúi. Trong số đó, không ít người vừa là già làng, vừa đảm nhiệm vai trò là thầy cúng nên được bà con đặc biệt tin tưởng, nể trọng. Những năm qua, các già làng, NCUT luôn đóng vai trò là cầu nối, giúp đồng bào các DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, NCUT còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình trong Nhân dân. Lực lượng NCUT được xem là cánh tay nối dài của Đảng, giúp chính quyền địa phương nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển KT-XH và công tác xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.

Nói về vai trò cầu nối giữa cộng đồng với Đảng, chính quyền, già làng Ma Bốch ở buôn Dôn Chách, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh cho biết: Tôi rất vinh dự khi được bà con bầu chọn làm NCUT, được chính quyền tin tưởng giao cho vai trò là cầu nối, là người đại diện cho cộng đồng. Vì vậy, tôi luôn cố gắng vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh kịp thời đến chính quyền, vừa cập nhật những chủ trương, chính sách để truyền đạt, phổ biến lại cho bà con trong thôn. Tôi cũng luôn động viên người dân gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời mạnh dạn xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Không chỉ chủ động trong công tác tuyên truyền, NCUT cũng là những điển hình trong phát triển kinh tế và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Nguyễn Đình Sao, NCUT thôn Tân Lập, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh cho biết: Trước đây, khi cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng mới di cư đến vùng đất Ea Ly sinh sống thì đời sống bà con còn rất khó khăn. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ, định hướng của Đảng, Nhà nước nên bà con đã nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Là NCUT trong thôn, tôi cũng luôn nỗ lực dựa vào các chính sách định hướng, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi kinh tế ổn định, tôi vận động bà con trong thôn cùng giúp đỡ những hộ khó khăn, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; đồng thời tích cực gìn giữ, khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đoàn đại biểu người có uy tín và cán bộ công tác dân tộc cơ sở trong chuyến tham quan một mô hình sản xuất tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV

Đoàn đại biểu người có uy tín và cán bộ công tác dân tộc cơ sở trong chuyến tham quan một mô hình sản xuất tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV

Phát huy vai trò NCUT trong thời kỳ mới

Theo Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, NCUT trong đồng bào các DTTS đã phát huy rất tốt vai trò là cầu nối giữa cộng đồng các dân tộc với các cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền và tổ chức cho bà con thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của địa phương. Họ cũng chính là các nhân tố quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống của các dân tộc. Đặc biệt, NCUT cũng rất tích cực vận động người dân các thôn, buôn không nghe, không tin theo luận điệu của các thế lực thù địch để chống phá Nhà nước ta.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: 56/111 NCUT trong vùng đồng bào DTTS là đảng viên. Những năm qua, NCUT luôn tích cực phối hợp với các ban ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, gìn giữ, bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế tại các địa phương. NCUT cũng là thành phần gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất cũng như vận động bà con tích cực tham gia hoạt động phát triển sản xuất tại cộng đồng.

Để tiếp tục phát huy vai trò của NCUT trong thời kỳ mới, Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án bồi dưỡng kiến thức, cập nhật thông tin về các chủ trương, chính sách mới cho các già làng, trưởng buôn, NCUT và các cán bộ dân tộc cấp cơ sở. Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động gặp mặt, cung cấp thông tin, thăm, tặng quà, chúc tết NCUT; tổ chức cho NCUT và các cán bộ thực hiện công tác dân tộc cấp cơ sở đi tham quan, học tập, giao lưu các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trong nước. Hoạt động này không chỉ giúp NCUT cập nhật thông tin, kiến thức mới về công tác dân tộc, mà còn giúp tiếp cận thực tế với các mô hình phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa để về triển khai, ứng dụng tại địa phương mình, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 111 NCUT trong vùng đồng bào DTTS; trong đó có 63 già làng, 6 cán bộ nghỉ hưu, 2 thầy cúng, thầy lang, 4 người sản xuất kinh doanh giỏi, 36 thành phần khác. Những năm qua, NCUT luôn tích cực phối hợp với các ban ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, gìn giữ, bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế tại các địa phương.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/420/325814/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-cong-dong-dan-toc-thieu-so.html
Zalo