Sơn Động: Thu hút khách du lịch bằng sản phẩm lợi thế vùng cao
Sơn Động là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Ngày càng nhiều loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng được địa phương quan tâm xây dựng tạo thành sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Khai thác tiềm năng
Những năm gần đây, nhiều du khách chọn Sơn Động là điểm đến du lịch bởi có phong tục độc đáo của đồng bào các dân tộc, cảnh sắc nguyên sơ đặc trưng của vùng núi cao, khí hậu trong lành, mát mẻ. Từ sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp, trên địa bàn huyện có Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, 6 hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng tại xã Vân Sơn, An Lạc, thị trấn Tây Yên Tử.
![Du khách chụp ảnh tại Điểm du lịch sinh thái Đồng Thông, thị trấn Tây Yên Tử.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_409_51475197/5fbc2d4b1f05f65baf14.jpg)
Du khách chụp ảnh tại Điểm du lịch sinh thái Đồng Thông, thị trấn Tây Yên Tử.
Trong chuyến du xuân đầu năm, chị Nguyễn Thị Thúy Toàn, TP Uông Bí (Quảng Ninh) cùng nhóm bạn có hành trình khởi đầu đến Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đi cáp treo lên chùa Hạ, chùa Thượng; sau đó tham quan nghề làm thuốc nam gia truyền, thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao tại HTX Du lịch cộng đồng bản Mậu và trải nghiệm ẩm thực tại điểm du lịch sinh thái Đồng Thông. Các điểm du lịch này nằm trên địa bàn thị trấn Tây Yên Tử nên mọi người dễ dàng di chuyển.
Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến trải nghiệm trên địa bàn tăng mạnh, điều đó cho thấy xu hướng du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các vùng nông thôn tập trung đồng bào DTTS đang được nhiều du khách lựa chọn.
“Chuyến du xuân vui mà ý nghĩa. Các điểm đến gần nhau, chúng tôi đi được nhiều nơi, biết thêm nhiều địa danh cũng như phong tục của đồng bào DTTS huyện Sơn Động”, chị Toàn chia sẻ. Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử với thời tiết thuận lợi đã đón hàng vạn du khách. Tương tự, Điểm du lịch sinh thái Đồng Thông cũng mở cửa miễn phí đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.
Thống kê sơ bộ, từ năm 2021 đến tháng 1/2025, Sơn Động đón gần 3 triệu lượt khách du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến trải nghiệm trên địa bàn tăng mạnh, điều đó cho thấy xu hướng du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các vùng nông thôn tập trung đồng bào DTTS đang được nhiều du khách lựa chọn.
Tạo chuỗi liên kết
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông thôn, ngay từ giai đoạn đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ này, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 36 - NQ/HU ngày 17/5/2021 về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025. Huyện đã ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các chương trình mục tiêu quốc gia tu bổ di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhà sàn truyền thống. Cùng đó khôi phục, bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống, nổi bật là lễ hội xuống đồng của người Tày; lễ cầu mùa của dân tộc Dao; hát Sloong hao của dân tộc Nùng; đua bè mảng ở Long Sơn; bơi chải An Châu…; truyền dạy múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chí; hát then, đàn tính của dân tộc Tày; dân ca Pá Dung của người Dao. Các xã xây dựng kế hoạch, nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với địa bàn; tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tiếp đón, phục vụ du khách.
![Hướng dẫn học sinh cách làm xôi ngũ sắc tại Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nà Ó, xã An Lạc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_409_51475197/723601c1338fdad1839e.jpg)
Hướng dẫn học sinh cách làm xôi ngũ sắc tại Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nà Ó, xã An Lạc.
An Lạc là một trong những xã quan tâm phát triển du lịch cộng đồng. Đảng ủy xã đã có Nghị quyết chuyên đề xây dựng thôn Nà Ó thành thôn du lịch cộng đồng. Anh Vũ Ngọc Huân, Trưởng thôn, Giám đốc HTX Du lịch Cộng đồng Nà Ó giới thiệu, thôn có 60 hộ, đa số là đồng bào dân tộc Tày. Từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nhân dân đóng góp, thôn xây dựng cổng chào với biểu tượng là cây đàn tính - đặc trưng của văn hóa dân tộc Tày, thành lập câu lạc bộ văn nghệ; mỗi thành viên trong gia đình đều có trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc mình. Gia đình anh Huân hiện quản lý 3 nhà sàn với kiến trúc độc đáo, có khu vực ăn uống, nghỉ dưỡng riêng với quy mô phục vụ khoảng 100 người/ngày đêm. Từ tháng 4 cho đến tháng 10 gia đình bắt đầu có khách đặt ăn uống, vui chơi, chủ yếu là người dân khu vực TP Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên...
Dù đạt được một số kết quả song đa số các điểm du lịch cộng đồng thiếu cơ sở vật chất, dịch vụ đi kèm. Lượng khách đến lưu trú qua đêm chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, gian trưng bày sản phẩm chưa đa dạng phục vụ du khách. Ngoài Công ty cổ phần Du lịch Tây Yên Tử, huyện chưa có nhiều doanh nghiệp vào địa bàn tổ chức liên doanh, liên kết đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, xác định phát triển du lịch cộng đồng là mục tiêu hướng tới của giai đoạn 2025-2030, Sơn Động sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch như xây dựng phim, video, phóng sự giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa bàn. Do mỗi thôn, bản, điểm du lịch có nét đặc trưng riêng gắn với phong tục tập quán của đồng bào DTTS nên huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, các xã xây dựng một số tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với du lịch cộng đồng. Tiếp tục khảo sát, bổ sung, hoàn chỉnh một số huyền tích lịch sử, văn hóa, tạo sức hấp dẫn cho các điểm du lịch. Cùng đó, quan tâm đào tạo nhân lực làm công tác du lịch.