Phát huy hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến ngư

Thời gian qua, hoạt động khuyến nông, khuyến ngư (KN-KN) trên địa bàn tỉnh đạt. được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản và tăng thu nhập cho nông dân.

Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết: Năm 2024, đơn vị đã thực hiện 25 mô hình trên các lĩnh vực. Trong đó, trồng trọt, lâm nghiệm có 15 mô hình, chăn nuôi và thủy sản 10 mô hình. Các mô hình KN-KN tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, thị trường tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; từ đó có nhiều chuyển biến, bứt phá về giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Về trồng trọt, trung tâm chủ yếu tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất; chuyển đổi đất gò đồi, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị như sen, dừa; hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, trung tâm còn hỗ trợ đăng ký nhãn mác và tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình, góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng.

Mô hình thâm canh cam Xã Đoài theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác và liên kết, tiêu thụ sản phẩm của ông Nguyễn Văn Quang.

Mô hình thâm canh cam Xã Đoài theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác và liên kết, tiêu thụ sản phẩm của ông Nguyễn Văn Quang.

Các mô hình do trung tâm thực hiện đã khẳng định được tính hiệu quả, giá trị mang lại cao hơn nhiều lần so với sản xuất trước đây. Điển hình có mô hình thâm canh cam Xã Đoài theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác và liên kết, tiêu thụ sản phẩm của ông Nguyễn Văn Quang, thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa).

Trên diện tích 1ha, ông Nguyễn Văn Quang trồng hơn 600 gốc giống cam Xã Đoài. Sau 5 năm thực hiện, đến nay, cam đã cho thu hoạch, với giá bán 30-40 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp và công lao động, mô hình cam của ông Quang dự kiến thu lãi trên 200 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó thâm canh cam theo hướng hữu cơ mang lại sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng nên được thị trường đón nhận, giá bán cao hơn các vườn cam đại trà.

Ông Nguyễn Văn Quang cho biết: “Được sự hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, tôi đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Nhờ vậy, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, quả đều, đẹp, chất lượng quả ngon. Dù mẫu mã không đẹp bằng các loại cam trên thị trường nhưng chất lượng ngọt, ngon hơn hẳn. Đây là mô hình cần được nhân rộng để người dân thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cũng như tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.”

Bên cạnh mô hình cam, thời gian qua, trung tâm cũng đã hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế vượt trội, như: Mô hình mít ruột đỏ cho năng suất 12-13 tấn/ha, thu nhập 200-250 triệu đồng; na Đài Loan năng suất đạt 7-8 tấn/ha, cho thu nhập 350-400 triệu đồng; mô hình ứng dụng máy bay, máy sạ cụm để gieo giống, phun thuốc, bón phân trong sản xuất lúa đã giảm chi phí sản xuất 20-30%; mô hình trồng sen cho thu nhập cao hơn trồng lúa 3-4 lần…

Với lĩnh vực chăn nuôi, đơn vị cũng hướng đến mô hình ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, đưa các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào trong quá trình nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Các mô hình KN-KN triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chăn nuôi, trồng trọt.

Trong năm 2024, trung tâm thực hiện hỗ trợ mô hình chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn tại hộ đình ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh). Đây là mô hình tuần hoàn lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trên diện tích hơn 2ha, ông Hoàng đã đưa vào trồng cỏ VA06, đầu tư chuồng trại nuôi 1.700 con gà ri lai, 28 con bò cái lai, nuôi giun quế, đào ao thả cá nước ngọt... Với hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm, mô hình được tổ chức sản xuất theo một chu trình khép kín, các chất thải của đối tượng này được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho đầu vào cho đối tượng sản xuất khác, từ đó giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Trong lĩnh vực thủy sản, trung tâm cũng đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh duyên hải miền Trung. Thông qua mô hình đã góp phần giúp người nuôi nâng cao nhận thức, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, nâng cao năng suất đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo ông Trần Thanh Hải, trong năm 2025, các hoạt động KN-KN sẽ tiếp tục được đổi mới, chuyển từ khuyến nông kỹ thuật sang khuyến nông tổng hợp theo nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nông dân để nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh của nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa và chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các mô hình điển hình sản xuất có hiệu quả cho nông dân.

T.Hoa

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/phat-huy-hieu-qua-cong-tac-khuyen-nong-khuyen-ngu-2223174/
Zalo