Nhiều ngành hàng xuất khẩu cán đích
Các ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép cùng nhiều nhóm sản phẩm của ngành nông nghiệp như cà phê, gạo, điều... đều về đích với kế hoạch xuất khẩu như đã định, thậm chí vượt mục tiêu.
Nhiều ngành xuất khẩu cán đích
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay đạt mục tiêu 44 tỷ USD như dự kiến, tăng hơn 11% so với năm ngoái.
Phải khẳng định, về đích với tăng trưởng 2 con số trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm... là nỗ lực cực lớn của ngành dệt may.
Trong khi đó, hết 11 tháng năm 2024, doanh thu xuất khẩu của toàn ngành da giày nước ta đạt 24,6 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 20,75 tỷ USD, tăng 12,9%, túi xách đạt 3,83 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Đến giữa tháng 12/2024, dựa trên đơn hàng đã ký, ngành dự kiến đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm với doanh số khoảng 27 tỷ USD.
Kết quả này ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ so với mức thực hiện thấp của năm ngoái, khi chỉ cán đích 24 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 4 tỷ USD) so với năm 2022.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, các thị trường có FTA như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN đều có mức tăng trưởng khá trong 11 tháng qua.
Một số thị trường lớn như Mỹ, EU đều có mức tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng.
Như vậy, sơ bộ, dệt may và da giày đóng góp khoảng 71 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2024.
Trong nhóm sản phẩm ngành nông nghiệp, một loạt ngành hàng, từ rau quả, gạo, cà phê, hạt điều đều ghi nhận con số xuất khẩu tích cực. 4 ngành hàng này đã mang về 20,83 tỷ USD sau 11 tháng. Ước cả năm 2024, đạt 22,6-22,8 tỷ USD.
Đáng nói, cả rau quả cà phê, gạo, điều đều có mức tăng trưởng cao. Số liệu thống kê của 11 tháng ghi nhận, ngành gạo đã xuất khẩu 8,45 triệu tấn, trị giá 5,3 tỷ USD, tăng 10,6% và 22,5% so với cùng kỳ, cà phê 1,2 triệu tấn, với 4,93 tỷ USD, sản lượng dù giảm gần 15% nhưng do giá xuất khẩu cao nên trị giá vẫn tăng 35,4%. Hạt điều cũng tương tự, 669.000 tấn, trị giá 3,98 tỷ USD, tăng lần lượt 15,2% và 20,6%, riêng rau quả ghi nhận hơn 6,6 tỷ USD, tăng 27,4%.
Cộng gộp cả 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực kể trên ước đóng góp doanh thu xuất khẩu gần 94 tỷ USD trong năm nay. Còn ước tính của Tổng cuc Hải quan, doanh thu xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 400 tỷ USD.
Đo lường xuất khẩu năm 2025
Xuất khẩu phần lớn các ngành chủ lực cơ bản đều cán đích năm 2024 theo dự kiến, thậm chí với các nhóm ngành nông sản đã vượt xa mục tiêu, đơn cử: rau quả đặt mục tiêu 6,5 tỷ USD, nhưng ước về đích trên 7 tỷ USD, gạo dự kiến xuất bán 8 triệu tấn nhưng sẽ đạt khoảng 8,8-8,9 triệu tấn, doanh thu cũng vượt 300-350 triệu USD, cà phê vượt khoảng 400 triệu USD.
Thông tin từ các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp dệt may và da giày lớn đã có đơn hàng đến tháng 4 sang năm, nhưng thách thức là đơn giá không tăng, trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng, do đó, các doanh nghiệp phải co kéo nhiều để điều phối sản xuất.
Song hành là giảm giá đơn hàng đi cùng những quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hóa" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới.
Theo đó, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47-48 tỷ USD, da giày khoảng 29-30 tỷ USD. Còn ngành nông nghiệp với các nhóm nông sản chính như gạo, cà phê, rau quả vẫn có dư địa để tăng trưởng 2 con số. Rau quả thuận lợi nhờ sầu riêng tiếp tục đóng góp 3,3-4,3 tỷ USD, nhưng 2025 còn có thêm mặt hàng dừa tươi với quy mô tỷ USD.
Cà phê được giá nhờ lợi thế nhà cung cấp lớn thứ 2, ngành gạo có thể khó hơn do chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ thay đổi, tác động đến giá xuất khẩu của các nước trong đó có Việt Nam.
Dự báo triển vọng xuất khẩu 2025, TS. Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương) cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tích cực. Cơ sở cho tăng trưởng tích cực này là vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, quy mô sản xuất ngày càng lớn, hội nhập sâu rộng và nhu cầu tại nhiều thị trường lớn gia tăng…
Báo cáo nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô một năm qua cũng như điểm qua triển vọng 2025 của Ngân hàng HSBC dự báo, GDP năm 2025 của Việt Nam tăng 6,5%, tiếp tục duy trì mức cao nhất khu vực. Trong khi, mục tiêu tăng trưởng vào 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%.
Nhóm chuyên gia HSBC đánh giá vẫn có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này, nhất là khi ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan tỏa ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cảnh báo một số rủi ro cho năm sau, trong đó, cần theo dõi chặt chẽ nhu cầu hàng hóa của thị trường thế giới, nhất là thị trường phương Tây (chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam) bởi nhu cầu đối với hàng hóa có cải thiện hơn nữa hay không sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi của Việt Nam.
Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dẫn đầu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất bằng gỗ và máy móc.
"Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, các chính sách liên quan đến thương mại và hàng rào thuế quan có thể là những thách thức cho những dự báo về tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong tương lai gần", chuyên gia HSBC cho biết.