Phát hiện linh cẩu đốm ở Ai Cập sau 5.000 năm
Điều kiện khí hậu, thay đổi trong chăn thả gia súc và các hoạt động của con người có thể đã dẫn đến chuyến hành trình đầy bất trắc của một con linh cẩu.
Một con linh cẩu đốm đã được phát hiện ở khu vực Đông Nam Ai Cập, lần đầu tiên sau khoảng 5.000 năm, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử động vật hoang dã của khu vực này.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mammalia, con linh cẩu này là cá thể đơn lẻ, bị người dân địa phương bắt và giết cách biên giới Sudan khoảng 30 km.
“Phản ứng đầu tiên của tôi là không thể tin nổi, cho đến khi tôi xem qua các bức ảnh và video về xác con vật”, tiến sĩ Abdullah Nagy, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học Al-Azhar, Ai Cập, chia sẻ.
Ông cho biết hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy bằng chứng. Điều này vượt xa những gì ông kỳ vọng sẽ tìm thấy ở Ai Cập.
Phát hiện này diễn ra cách phạm vi sống đã biết của loài linh cẩu đốm tại Sudan khoảng 500 km về phía bắc.
Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng chu kỳ thời tiết khu vực, một phần của hiện tượng “rãnh Biển Đỏ”, có thể đã làm tăng lượng mưa và sự phát triển của thực vật, mở ra một hành lang di cư cho loài linh cẩu khi nguồn thức ăn trở nên phong phú hơn.
Để kiểm tra giả thuyết này, các nhà khoa học sử dụng chỉ số NDVI (chỉ số khác biệt thực vật bình thường hóa) để đo lượng mưa và cơ hội chăn thả gia súc, với dữ liệu NDVI thu thập từ ảnh vệ tinh Landsat 5 và 7 trong giai đoạn từ năm 1984 đến 2022.
Phân tích cho thấy khu vực này trải qua nhiều năm hạn hán xen kẽ với các giai đoạn ngắn có mưa nhiều hơn. Trong 5 năm gần đây, chỉ số NDVI cao hơn so với hai thập kỷ trước đó, cho thấy sự phát triển thực vật tăng, có thể hỗ trợ nguồn thức ăn cho loài linh cẩu di chuyển.
“Việc khu vực hành lang này trở nên ít khắc nghiệt hơn, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hành trình của linh cẩu, có thể lý giải tại sao nó có thể tiến xa đến vậy”, ông Nagy nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng động lực thúc đẩy chuyến hành trình xa xôi vào Ai Cập của con linh cẩu này vẫn là một bí ẩn cần nghiên cứu thêm.
Linh cẩu đốm là loài săn mồi theo bầy rất thành công, thường sống ở nhiều loại môi trường khác nhau tại khu vực cận Sahara. Chúng có thể di chuyển tới 27 km mỗi ngày, thường theo dõi đàn gia súc bán du mục do con người chăn thả và sống dựa vào những con mồi săn được.
Con linh cẩu được phát hiện nói trên đã tấn công và giết hai con dê do người dân chăn thả tại khu vực Wadi Yahmib thuộc Khu bảo tồn Elba. Con linh cẩu bị người dân phát hiện, đuổi bắt và giết chết. Vụ việc được chụp ảnh, định vị và cung cấp thông tin quý giá cho các nhà sinh thái học.
Các phát hiện từ nghiên cứu này buộc các nhà khoa học phải xem xét lại phạm vi phân bố của loài linh cẩu đốm, đồng thời cung cấp dữ liệu mới về tác động của biến đổi khí hậu khu vực đối với sự di cư của động vật.