Phát hiện dấu chân khủng long siêu rõ, chuyên gia lý giải sao?

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc vừa khai quật gần 44 dấu chân khủng long niên đại hàng trăm triệu năm tại Lư Sơn, Tây Xương, mở ra cánh cửa mới để tìm hiểu về loài bò sát khổng lồ từng thống trị Trái Đất.

Vừa qua, trong quá trình khảo sát địa lý tại khu vực Lư Sơn, thành phố Tây Xương, tỉnh Lương Sơn, Tứ Xuyên, nhóm nghiên cứu khoa học đến từ Học viện Khoa học Địa lý, Đại học Sư phạm Tây Hoa đã bất ngờ phát hiện một kho báu khảo cổ học vô giá, hàng loạt hóa thạch dấu chân khủng long cổ đại.

Theo thông tin ban đầu, các nhà khoa học đã ghi nhận khoảng 44 dấu chân với kích thước đa dạng từ 15cm đến 27cm. Hình dạng dấu chân còn khá rõ nét, bước chân đều đặn, cho thấy đây có thể là dấu tích của loài khủng long chân thú (Theropoda) – nhóm khủng long ăn thịt nổi tiếng.

Tiến sĩ Hà Vũ Lật, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ: "Số lượng dấu chân lên đến 44, với nhiều hướng di chuyển khác nhau, chúng tôi nhận định có thể có nhiều cá thể khủng long đã từng hoạt động tại khu vực này".

Hóa thạch dấu chân khủng long mới được phát hiện ở Tây Xương, Tứ Xuyên. (Ảnh: Sina)

Hóa thạch dấu chân khủng long mới được phát hiện ở Tây Xương, Tứ Xuyên. (Ảnh: Sina)

Dựa trên phân tích địa tầng học, các nhà khoa học xác định các dấu chân này nằm trong tầng địa chất Tiểu Bá (Xiaoba Formation) thuộc kỷ Phấn trắng sớm. Điều này đồng nghĩa với việc những dấu chân này có niên đại từ 125 triệu đến 145 triệu năm trước, đưa chúng ta ngược dòng thời gian về thời kỳ hoàng kim của khủng long trên Trái Đất.

Manh mối quý giá về cuộc sống khủng long cổ đại

Không chỉ đơn thuần là những dấu tích hóa thạch, phát hiện này mang đến một "cỗ máy thời gian" giúp các nhà khoa học khám phá sâu hơn về tập tính sinh hoạt và hành vi của khủng long. Việc phát hiện nhiều dấu chân cho thấy có thể đây là khu vực sinh sống hoặc kiếm ăn của một hoặc nhiều nhóm khủng long. Các dấu chân được tìm thấy gần khu vực có thể là bờ hồ cổ đại, gợi ý về môi trường sống của chúng.

Mặc dù một số dấu chân đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chất và thời tiết, gây ra sự phá hủy nhất định, song, nhiều dấu chân vẫn giữ được hình dạng tương đối nguyên vẹn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu chi tiết về hình thái, kích thước và cách di chuyển của loài khủng long để lại dấu tích.

Khủng long ăn thịt từng dạo bước trên đất Tứ Xuyên?

Phân tích sơ bộ hình thái dấu chân cho thấy chúng có nhiều khả năng thuộc về nhóm khủng long chân thú. Đây là nhóm khủng long ăn thịt hai chân, nổi tiếng với sự nhanh nhẹn và hung dữ. Phát hiện này càng củng cố thêm hiểu biết về sự đa dạng sinh học của khủng long trong kỷ Phấn trắng, đặc biệt là sự hiện diện của các loài khủng long ăn thịt tại khu vực ngày nay là Tứ Xuyên.

Các nhà nghiên cứu vô cùng phấn khích khi phát hiện những dấu chân khủng long ở Tứ Xuyên. (Ảnh: Sina)

Các nhà nghiên cứu vô cùng phấn khích khi phát hiện những dấu chân khủng long ở Tứ Xuyên. (Ảnh: Sina)

Trước đó, tại Lương Sơn cũng đã ghi nhận các phát hiện dấu chân khủng long ở các huyện Chiêu Giác và Hỉ Đức. Phát hiện mới này tại Lư Sơn càng khẳng định khu vực Lương Sơn là một "điểm nóng" về khảo cổ khủng long, hứa hẹn mang đến nhiều khám phá thú vị trong tương lai.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã liên hệ với các cơ quan quản lý liên quan tại tỉnh Lương Sơn để phối hợp trong công tác nghiên cứu và bảo tồn các hóa thạch quý giá này. Các chuyên gia dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn để làm sáng tỏ thêm nhiều bí ẩn về loài khủng long từng có mặt trên vùng đất Tứ Xuyên hàng triệu năm về trước.

Bích Hậu (Theo Sina)

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/phat-hien-dau-chan-khung-long-sieu-ro-chuyen-gia-ly-giai-sao-261018.htm
Zalo