Phát hiện dấu hiệu của bãi biển 'nghỉ dưỡng' trên Sao Hỏa
Sao Hỏa có thể từng là nơi có những bãi biển đầy nắng với cát mịn và sóng vỗ nhẹ như một khu nghỉ dưỡng, theo một nghiên cứu mới công bố.

Hình ảnh mô phỏng tàu thăm dò Chúc Dung đáp xuống bề mặt Sao Hỏa ngày 22/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân tích dữ liệu từ tàu thám hiểm Chúc Dung của Trung Quốc và phát hiện các lớp đá ẩn dưới bề mặt hành tinh đỏ, cho thấy dấu hiệu mạnh mẽ về sự tồn tại của một đại dương cổ đại ở phía Bắc hành tinh này.
Nghiên cứu mới, được công bố trong tuần này trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất từ trước đến nay về việc Sao Hỏa từng có một vùng nước rộng lớn và môi trường có thể hỗ trợ sự sống.
"Chúng tôi đang tìm thấy những nơi trên Sao Hỏa từng giống như bãi biển và đồng bằng sông cổ đại trên Trái Đất", Benjamin Cardenas, phó giáo sư địa chất tại Đại học Penn State và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Ông cho biết thêm rằng phát hiện bằng chứng về gió, sóng và lượng cát dồi dào, một bãi biển thực sự, theo đúng nghĩa của nó.
Tàu thám hiểm Chúc Dung đã hạ cánh xuống Sao Hỏa vào năm 2021 tại khu vực Utopia Planitia và gửi dữ liệu về địa chất xung quanh nhằm tìm kiếm dấu hiệu của nước hoặc băng cổ đại.

Tàu thám hiểm Chúc Dung trên sao Hỏa ngày 11/6/2021. Ảnh: CNSA
Không giống như các tàu thám hiểm trước đó, Chúc Dung được trang bị radar xuyên đất, giúp nó có thể quét sâu xuống bề mặt Sao Hỏa và xác định các cấu trúc đá bị chôn vùi. Bằng cách sử dụng radar tần số cao và thấp, tàu thăm dò có thể tạo ra hình ảnh về các lớp trầm tích dưới lòng đất, cung cấp manh mối quan trọng về lịch sử địa chất của hành tinh này.
Khi nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu radar, họ phát hiện một cấu trúc phân lớp tương tự như bãi biển trên Trái Đất, được gọi là "trầm tích ven biển". Những lớp trầm tích này có xu hướng nghiêng dần về phía đại dương, hình thành khi các dòng thủy triều và sóng biển cuốn trôi trầm tích vào một vùng nước rộng lớn.
"Phát hiện này lập tức thu hút sự chú ý của chúng tôi vì nó cho thấy sự tồn tại của sóng biển, đồng nghĩa với việc từng có một bề mặt nước động trên Sao Hỏa", ông Cardenas giải thích.
Khi so sánh dữ liệu radar trên Sao Hỏa với hình ảnh trầm tích ven biển trên Trái Đất, nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Góc nghiêng của các lớp trầm tích từ mặt đất xuống đại dương trên Sao Hỏa nằm trong phạm vi tương tự như các bãi biển trên Trái Đất.
Phát hiện này củng cố giả thuyết rằng Sao Hỏa từng có một đại dương bao phủ phần lớn khu vực cực bắc, đồng thời cho thấy hành tinh này từng ẩm ướt hơn nhiều so với hiện nay. Nghiên cứu cũng cung cấp những thông tin mới về sự tiến hóa của môi trường Sao Hỏa, gợi ý rằng giai đoạn ấm áp và có nước có thể đã kéo dài hàng chục triệu năm.
Kết quả nghiên cứu này mở ra những hướng mới trong việc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên Sao Hỏa, đồng thời giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về lịch sử khí hậu và địa chất của hành tinh Đỏ.