Khôi phục đàn sói để cứu lấy rừng trước nạn hươu phá cây

Lần gần nhất tiếng sói hú đầy ma mị được nghe thấy trên Cao nguyên Scotland đã là chuyện của hàng thế kỷ trước. Giờ đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Scotland cho rằng đã đến lúc đưa tiếng sói hú trở lại để cứu thiên nhiên.

Theo những phần mềm tính toán và dự báo của họ, điều này có thể giúp phục hồi rừng bản địa của nước Anh và hệ quả tiếp theo là lưu trữ carbon từ không khí.

Theo một số giai thoại khó kiểm định, con sói Canis lupus cuối cùng ở Scotland đã bị con người tiêu diệt cách đây khoảng 250 năm. Vào khoảng thời gian đó, cuộc nổi dậy Jacobite năm 1745 đã thay đổi căn bản cách sử dụng đất đai của nước Anh. Rừng đã bị chặt phá, và các khu đất săn bắn lớn đã được thiết lập.

Việc tiêu diệt kẻ săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn ngoài tự nhiên này đã làm rối loạn toàn bộ hệ sinh thái rừng. Con mồi chính của sói là hươu đỏ (Cervus elaphus), có thể sinh sản không kiểm soát.

Những ước tính gần đây cho thấy hiện tại có tới 400.000 con hươu đỏ, chúng dẫm đạp và gặm nhấm các cây non mà đáng ra có thể phát triển thành rừng. Ngày nay, Scotland có diện tích rừng bản địa chiếm chưa đến 4% diện tích và đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Âu. Nguyên nhân là do không có sự hiện diện của bầy sói.

Đây là một ví dụ điển hình về vai trò của kẻ săn mồi như một loài "loài chủ chốt" hay một viên gạch giúp hình thành cấu trúc hệ sinh thái. Ở Mỹ, việc thả lại sói vào một số hệ sinh thái được nhà nước quản lý đã thành công, nổi bật nhất là ở Công viên Quốc gia Yellowstone.

Về lý thuyết, việc đưa sói trở lại hoang dã Scotland sẽ giúp giảm số lượng hươu, tạo cơ hội cho rừng phục hồi. Nhà khoa học môi trường Dominick Spracklen từ Đại học Leeds, tác giả chính của nghiên cứu cho rằng: "Ngày càng nhiều người thừa nhận rằng khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học không thể được quản lý một cách tách biệt. Chúng ta cần xem xét vai trò tiềm năng của các quá trình trở lại nguyên trạng tự nhiên như việc tái triển khai các loài để phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái. Những việc này có thể mang lại lợi ích đồng thời cho khí hậu và phục hồi thiên nhiên".

Mô phỏng của các nhà khoa học cho thấy việc tái triển khai sói ở bốn khu vực chính của Scotland có thể dẫn đến một quần thể khoảng 167 con sói, đủ để giảm mật độ quần thể hươu ở những khu vực này xuống còn chỉ 4 con mỗi km² trong chỉ hai thập niên.

Họ ước tính rằng mỗi con sói có thể bảo vệ diện tích rừng đủ để hấp thụ 6.080 tấn carbon dioxide mỗi năm. Trong thị trường tín chỉ carbon hiện nay, khối lượng này có giá trị khoảng 195.000 USD.

Theo mô phỏng của các nhà khoa học, sự mở rộng của rừng bản địa này sẽ lưu trữ 100 triệu tấn CO2 trong vòng 100 năm và "đủ để đóng góp quan trọng vào các mục tiêu khí hậu quốc gia".

Các tác giả viết: "Việc mở rộng quy mô lớn rừng, được ‘bảo kê’ bởi sự trở lại của sói, có thể đóng góp vào các mục tiêu khí hậu quốc gia và có thể mang lại lợi ích kinh tế tiềm năng cho các chủ đất và cộng đồng thông qua bán tín chỉ carbon".

Tuy nhiên, có thể hiểu được rằng có những lo ngại về an toàn cần được xem xét. Đây là một vấn đề gây tranh cãi mạnh mẽ và có lý do chính đáng.

Nhà sinh thái học Lee Schofield, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Xung đột giữa con người và động vật hoang dã có liên quan đến các loài ăn thịt là rất phổ biến. Xung đột đó phải được giải quyết thông qua các chính sách tuyên truyền cho mọi người hiểu đối với việc tái triển khai chúng để đảm bảo sự thành công".

Các nhà nghiên cứu tin rằng những bài học rút ra từ việc thả lại sói về rừng ở Mỹ và châu Âu sẽ giúp ích cho trường hợp này. Dù có những e ngại nhưng lợi ích cho các bên sẽ giúp họ xích gần nhau. Nhóm nghiên cứu kết luận: "Việc lưu trữ carbon khá lớn kèm lợi ích tài chính tiềm năng liên quan đến việc thả lại sói có thể thuyết phục các chủ đất thay đổi quan niệm về các động vật săn mồi".

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khoi-phuc-dan-soi-de-cuu-lay-rung-truoc-nan-huou-pha-cay-229711.html
Zalo