Phát hành sách Thái Nguyên (STH) và mối liên hệ cổ đông lớn với loạt 'đất vàng'
ông ty cổ phần Phát hành sách Thái Nguyên (UPCoM - STH) sở hữu loạt 'đất vàng' được biết đến là một phần trong hệ sinh thái của Công ty Thương mại Thái Hưng, một 'ông lớn' ở đất thép Thái Nguyên.
Sách Thái Nguyên và màn “lột xác” các khu đất vàng
Công ty cổ phần Phát hành sách Thái Nguyên nguyên là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trụ sở đặt tại số 65 Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên. Cuối năm 2003, doanh nghiệp được cổ phần hóa theo quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, có vốn điều lệ ban đầu là 1,2 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước nắm giữ 51%, cán bộ, công nhân viên nắm giữ 49%.
Năm 2008, Sách Thái Nguyên tăng vốn lên 2 tỷ đồng; sau đó năm 2010, khi cổ đông Nhà nước thoái toàn bộ vốn, một số cổ đông cá nhân đã bước chân vào doanh nghiệp này, trong đó có bà Nguyễn Thị Quy (con gái ông bà Nguyễn Quốc Thái - Nguyễn Thị Cải, em gái bà Nguyễn Thị Vinh).
Thời điểm này, Sách Thái Nguyên chỉ là một công ty kinh doanh sách báo rất nhỏ và hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên lại rất hấp dẫn nhà đầu tư do sở hữu một số nhà sách nằm trên những vị trí đắc địa của tỉnh Thái Nguyên, điển hình là lô đất "vàng" trụ sở tại 65 Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên. Hiện nay, ngoài trụ sở 65 Hoàng Văn Thụ, Sách Thái Nguyên đang sở hữu ba trung tâm kinh doanh chính, bao gồm ba nhà sách, một trung tâm kinh doanh cây xanh (Nhà Xanh), một trung tâm kinh doanh đồ trang trí (Nhà Decor), hai cửa hàng tiện lợi (Nhà táo THC) và hai nhà thuốc (STH1, STH2).
Tính đến cuối năm 2023, Sách Thái Nguyên gần như đã "lột xác" hoàn toàn, Thái Hưng và người liên quan nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt và trực tiếp sở hữu 54,18% vốn điều lệ của công ty này.
Cụ thể, Công ty Thái Hưng sở hữu 18,64%; hai con gái và một con dâu của ông Thái - bà Cải là bà Nguyễn Thị Vinh, bà Nguyễn Thị Quy và bà Bạch Phương Vinh lần lượt sở hữu 11,05%, 13,44% và 11,05%. Hiện bà Quy là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thị Vinh là thành viên Hội đồng quản trị Sách Thái Nguyên.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng ban Kiểm soát Sách Thái Nguyên là người có liên quan đến Thái Hưng.Thời gian qua, Thái Hưng và Sách Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giao dịch qua lại như ký hợp đồng hợp tác, giao dịch chuyển nhượng khoản đầu tư, bù trừ công nợ và một số giao dịch liên quan khác.
Tại lô đất 65 Hoàng Văn Thụ, vào tháng 8/2022, Hội đồng quản trị Sách Thái Nguyên đã thông qua phương án đầu tư vào Dự án Thái Hưng Complex Tower do Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 265 tỷ đồng, được định vị là công trình đa chức năng, gồm nhiều tiện ích như văn phòng cho thuê, lưu trú cao cấp, tổ chức sự kiện…
Trước đó, vào năm 2020, STH phát hành 13 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 65 tỷ đồng 195 tỷ đồng. Đáng chú ý, mục đích phát hành là tăng vốn góp hợp tác kinh doanh để nâng tỷ lệ sở hữu tài sản đồng kiểm soát tại công trình Trường mầm non IRIS và các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông IRIS. Đây là dự án mà STH ký hợp tác với chính Công ty Thái Hưng.
Song đến tháng 6/2022, do nhận định dịch bệnh khiến việc đầu tư giáo dục kém hiệu quả, công ty này đã thu hồi vốn tại dự án IRIS nhằm bảo toàn vốn; tổng số tiền thu hồi được tính đến tháng 6/2023 là 45 tỷ đồng.
Số tiền chưa thu hồi 135,4 tỷ đồng này, vào ngày 1/1/2023, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc sử dụng để đầu tư và thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng Dự án Thái Hưng Complex Tower.
Ngoài ra, Sách Thái Nguyên còn có khoản tạm ứng 4,5 tỷ đồng cho bà Nguyễn Thị Quy để thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng dự án này.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của STH cho biết, doanh nghiệp hiện đang nắm giữ hơn 1,5 triệu cổ phiếu DHM của Công ty cổ phần Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu với giá gốc hơn 13 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đang nắm giữ khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 20 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank). Theo thuyết minh báo cáo tài chính, năm 2022, Sách Thái Nguyên đã nhận chuyển nhượng thành công hơn 2 triệu cổ phần của PVcomBank từ Công ty Thái Hưng với giá chuyển nhượng là hơn 20 tỷ đồng.
Hệ sinh thái của Thái Hưng cũng dày đặc hơn sau khi mua Công ty cổ phần Cao Dương Phát với giá 56,1 tỷ đồng từ chính Công ty cổ phần Phát hành sách Thái Nguyên; đồng thời thông qua Sách Thái Nguyên thâu gom Công ty cổ phần Đầu tư phát triển IMUS (hiện do ông Nguyễn Thượng Nguyên, con ông Thái - bà Cải làm Giám đốc), Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo Eco Valley Việt Nam (trong đó bà Nguyễn Thị Vinh góp 75% vốn)…
Chân dung Thái Hưng - doanh nghiệp thâu tóm loạt đất vàng
Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) tiền thân là doanh nghiệp tư nhân dịch vụ kim khí Thái Hưng kinh doanh thép từ năm 1993, được xây dựng bởi vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Thị Cải.
Sau một phần tư thế kỷ hoạt động, Thái Hưng cho biết hiện đang nắm giữ 13% thị phần thép xây dựng Việt Nam và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép; là nhà cung cấp cho hàng loạt hãng thép lớn như Thép Hòa Phát, Tisco, Thép Việt Ý, Thép Việt Sing, Pomina, Thép Việt Nhật…
Ngoài lĩnh vực sản xuất và thương mại thép, doanh nghiệp này đã mở rộng quy mô, kinh doanh đa ngành, hiện đang cung cấp các dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu, lưu trú và đầu tư vào giáo dục, bất động sản…
Từ năm 2009, Thái Hưng liên tục mở rộng hệ sinh thái bằng cách mua lại cổ phần của các công ty do Nhà nước thoái vốn, bao gồm: Công ty cổ phần B.C.H (mã BCA), Công ty cổ phần Thương mại Cao Bắc, Công ty TNHH một thành viên Cốp pha Thép Thái Hưng (tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Cốp pha Thép Việt Phương), Công ty cổ phần Phát hành sách Thái Nguyên, Công ty cổ phần Lâm sản Thái Nguyên (chủ đầu tư dự án HTD City Thái Nguyên quy mô 18.084,2 m2)…
Năm 2015, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái - Nguyễn Thị Cải đã bàn giao lại hầu hết các vị trí lãnh đạo Công ty cho thế hệ F1. Hội đồng quản trị mới bao gồm ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị (con trai ông Thái, bà Cải), bà Nguyễn Thị Vinh - Tổng giám đốc (con gái ông Thái, bà Cải)…
Sau đó, Thái Hưng tiếp tục thực hiện nhiều thương vụ mua lại cổ phần của các công ty thép khác. Cụ thể, tháng 6/2016, khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Công ty cổ phần Thép Việt Ý (Visco - mã VIS), Thái Hưng đã liên tục gom cổ phiếu VIS và trở thành công ty mẹ nắm quyền chi phối tại Visco. Tuy nhiên, hiện tại, Thái Hưng chỉ còn nắm giữ 20% vốn của Visco, đơn vị sở hữu Visco hiện nay là đối tác chiến lược Kyoei Steel, một công ty của Nhật Bản, nắm 73,81% vốn.
Tháng 7/2016, Công ty Thái Hưng trúng đấu giá tài sản và mua được Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng với số tiền gần 57 tỷ đồng, bao gồm cả Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng rộng hơn 20 ha ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ban đầu, Thái Hưng cam kết sẽ đưa Nhà máy Thép Gia Sàng hoạt động trở lại; tuy nhiên, cuối năm 2017, công ty này đã cho nhà máy dừng hoạt động với lý do không mang lại hiệu quả. Đồng thời, Công ty Thái Hưng đã đề xuất và sau đó được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án Khu đô thị Crown Villas quy mô hơn 35 ha tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó 21,44 ha thuộc diện tích Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng.
Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Công ty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4 ha đất của Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng Khu đô thị mới Thái Hưng Eco City (sau đó có tên thương mại là Crown Villas), tọa lạc tại vị trí vàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, ngay "cửa ngõ" TP.Thái Nguyên.
Việc dự án Khu đô thị mới Thái Hưng Eco City được giao không qua đầu giá khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Bởi, với vị trí "vàng" ngay "cửa ngõ" Thái Nguyên, quỹ đất này nếu mang ra đấu giá có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Trước những lùm xùm kéo dài của khu đất vàng này, tháng 6.2022, Thanh tra Chính phủ đã cử tổ công tác kiểm tra, rà soát các nội dung việc thu hồi và cho thuê đất của Công ty luyện cán thép Gia Sàng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án Thái Hưng Eco City.
Ngoài ra, Tổ công tác làm việc trực tiếp với một số cá nhân và Công ty Thái Hưng. Kiểm tra thực địa Dự án Thái Hưng Eco City và Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà máy luyện cán thép Gia Sàng tại khu đất.
Đây cũng không phải lần đầu khu đất vàng này vào "tầm ngắm". Tháng 1.2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản 526 truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, giải quyết đơn thư tố cáo của một số cá nhân làm rõ việc cho Công ty Thái Hưng thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu luyện thép Gia Sàng.
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 2/2017, Thái Hưng mua 14,1 triệu cổ phiếu TIS (tương ứng tỷ lệ 5%) của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Hiện tại, Thái Hưng đang nắm giữ 36,8 triệu cổ phiếu Tisco, tương ứng tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
Tháng 6/2020, Thái Hưng nắm giữ 56,5% vốn Công ty TNHH Natsteel Vina - doanh nghiệp sản xuất sắt, gang thép tại tỉnh Thái Nguyên, trong khi Tisco cũng sở hữu 6,8%.Hệ sinh thái của Thái Hưng hiện tại còn có các công ty: Công ty cổ phần Cao Dương Phát, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển IMUS, Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo Eco Valley Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Minh Đức Group… hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, tư vấn thiết kế và quản lý vận hành bất động sản. Trong đó, Công ty Minh Đức là chủ đầu tư Cụm công nghiệp Hà Châu 2 có diện tích 44,69 ha.
Đáng lưu ý, ngày 30/8/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư là Công ty Thái Hưng để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Thanh niên xung phong dài 1,4 km, theo hình thức đối tác công tư PPP (loại hợp đồng BT), có tổng mức đầu tư hơn 144 tỷ đồng. Đổi lại, Công ty được giao thực hiện dự án Khu dân cư số 10 phường Gia Sàng, có tổng diện tích 21,9 ha. Theo Quyết định nói trên, thời gian thực hiện hợp đồng là 270 ngày, nhưng cho đến nay, sau 5 năm, dự án nói trên vẫn chưa hoàn thiện.