Pháp và Đức chia rẽ về cách trả đũa thuế quan của Mỹ
Quyết định áp thuế mới của Mỹ đang khiến châu Âu chia rẽ. Pháp kêu gọi trả đũa ngay lập tức, trong khi Đức muốn đối thoại với Washington. Liệu EU có thể tìm ra tiếng nói chung trước áp lực từ Nhà Trắng?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 15/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang tin châu Âu Euronews.com, tuyên bố áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Trong khi một số nước ủng hộ biện pháp trả đũa nhanh chóng và cứng rắn, những nước khác lại muốn duy trì đối thoại với Washington, trong đó Pháp và Đức hiện đứng ở hai đầu chiến tuyến.
Căng thẳng bắt đầu khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu, bao gồm cả từ châu Âu, với lý do "an ninh quốc gia". Sắc lệnh hành pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3 tới, kèm theo thông báo về thuế quan tương hỗi đối với các đối tác thương mại của Mỹ trên cơ sở xem xét "từng quốc gia".
Ủy ban châu Âu đã nhanh chóng tuyên bố sẽ phản ứng "kiên quyết và ngay lập tức". Nhưng tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp của các bộ trưởng thương mại EU tuần này, hai luồng quan điểm đối lập đã nổi lên rõ ràng.
Pháp dẫn đầu phe "diều hâu", ủng hộ phản ứng nhanh chóng từ Ủy ban châu Âu. Một quan chức EU giấu tên chia sẻ với Euronews: "Mỗi biện pháp của Mỹ được công bố đều nhận được lời kêu gọi phản ứng ngay lập tức". Theo quan điểm này, đàm phán nên là thứ yếu để tránh việc đưa ra quá nhiều nhượng bộ cho phía Mỹ.
Ngược lại, Đức, Italy và Hungary thuộc phe "ôn hòa". Một nhà ngoại giao EU thuộc nhóm này cho rằng "sẽ hợp lý hơn nếu chờ đợi các biện pháp tiếp theo và giữ liên lạc với phía Mỹ". Họ muốn xem xét các biện pháp trả đũa cụ thể thay vì vội vàng đưa ra tuyên bố như cách làm của Mỹ.
Đáng chú ý, Hungary đang áp dụng cách tiếp cận "thận trọng", không muốn có biện pháp trả đũa nào được thực hiện trước ngày 12/3. Trong khi đó, Italy muốn duy trì đối thoại với Mỹ trước khi sử dụng các biện pháp trả đũa.
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic được Howard Lutnick - người dự kiến sẽ là Bộ trưởng Thương mại mới của Mỹ - cảnh báo rằng mục tiêu của Tổng thống Trump là "đại tu chính sách thương mại của Mỹ ngoài các mức thuế thép và nhôm đã công bố". Ông Sefcovic khẳng định EU sẽ phản ứng "kiên quyết và tương xứng".
Đây không phải lần đầu tiên EU phải đối mặt với các biện pháp bảo hộ của Tổng thống Trump. Năm 2018, EU đã trả đũa việc Mỹ áp thuế thép (25%) và nhôm (10%) bằng cách đánh thuế 2,8 tỷ euro hàng hóa của Mỹ. Cuộc chiến thuế quan chỉ tạm lắng xuống khi một thỏa thuận đình chiến được đàm phán dưới thời chính quyền Biden, tuy nhiên thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 năm nay.
Trong bối cảnh này, EU đang tích cực đa dạng hóa quan hệ thương mại. Khối này đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do với các nước trong khối Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay), Thụy Sĩ, và Mexico. Các cuộc đàm phán cũng được nối lại với Malaysia, trong khi phái đoàn Ủy viên EU sẽ thăm Ấn Độ vào cuối tháng này để thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh sau cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau rằng "các thỏa thuận thương mại tốt hơn thuế quan thương mại". Tuyên bố này phản ánh nỗ lực của EU trong việc duy trì trật tự thương mại đa phương trong bối cảnh quan hệ với Mỹ - đối tác thương mại lớn với kim ngạch 1,5 nghìn tỷ euro hàng hóa và dịch vụ trong năm 2023 - đang trở nên căng thẳng.