Tin thế giới 19/2: Nga tiết lộ tin nóng sau đàm phán với Mỹ, Tổng thống Zelensky tuyên bố không thể bán Ukraine, Hamas sẵn sàng thả tất cả con tin
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ không 'bán đất nước' với dự thảo thỏa thuận khoáng sản của Mỹ. (Nguồn: Anadolu)
Châu Âu
* Điện Kremlin tiết lộ thời điểm lãnh đạo Nga-Mỹ gặp nhau sớm nhất là trong tháng này, dù sẽ mất thời gian để chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp này.
Trả lời họp báo ngày 19/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga được tổ chức ngày 18/2 tại Saudi Arabia là một "bước quan trọng" hướng tới mục tiêu đạt được một giải pháp cho xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai siêu cường sẽ phải được "hâm nóng" trở lại trước khi có thể khôi phục. (Reuters)
* Nga sẽ bổ nhiệm đại diện đàm phán về Ukraine dựa trên quyết định tương ứng từ phía Mỹ. Theo lời người phát ngôn Điện Kremlin Peskov, cả Moscow và Washington không thể đưa ra quyết định về việc tổ chức bầu cử tại Ukraine.
Truyền thông Nga ngày 18/2 dẫn lời Cố vấn Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, Mỹ đã chỉ định Đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg đại diện cho Washington trong các cuộc đàm phán về Ukraine. (RIA)
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo sau cuộc đàm phán giữa Nga-Mỹ ngày 18/2, trong đó có bàn về việc bắt đầu các bước giải quyết xung đột ở Ukraine mà không có đại diện của Kiev.
Tại họp báo, ông Zelensky cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang "sống trong bong bóng thông tin sai lệch và sự bất hòa do Nga gieo rắc", đồng thời kêu gọi châu Âu tập trung vào những gì mà châu lục này có thể giúp Ukraine nếu viện trợ từ Washington bị cắt giảm hoặc có vấn đề khác.
Nhà lãnh đạo cũng thẳng thừng từ chối dự thảo thỏa thuận khoáng sản của Mỹ, tuyên bố rằng ông "không thể bán Ukraine", đồng thời bác bỏ mọi đề xuất nhượng bộ lớn với Nga. (The Guardian)
* Không thể đạt được hòa bình ở Ukraine nếu không có sự tham gia của Kiev, theo sự nhất trí của Tổng thống Brazil Lula da Silva với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm ngày 18/2.
Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định nền hòa bình ở Ukraine chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán khi Nga và Ukraine cùng ngồi vào bàn đối thoại. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Hòa bình là điều có thể và cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động”. (The Kyiv Independent)
* Liên minh châu Âu (EU) có suất tham gia đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine, theo lời Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani.
Ông cho hay, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã điện đàm và khẳng định với những người đồng cấp Pháp, Anh, Italy và Đức rằng, châu Âu sẽ tham gia tiến trình đàm phán vì họ "đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có hiệu lực với Nga và không thể có bất kỳ cuộc đàm phán nào nếu vấn đề trừng phạt không được đưa ra bàn thảo”. (Reuters)
* EU cam kết hỗ trợ tài chính 30 tỷ Euro (31,3 tỷ USD) cho Ukraine trong năm 2025, trong đó bao gồm lợi nhuận phát sinh từ các tài sản bị đóng băng của Nga. (RIA)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Ấn Độ-Ai Cập tiến hành tập trận chung lần thứ 3 mang tên CYCLONE-III, kéo dài từ 9-23/2 tại Mahajan Field, bang Rajasthan (Ấn Độ), giữa các lực lượng đặc nhiệm từ hai quốc gia với mục tiêu tăng cường khả năng hợp tác và năng lực chiến đấu của các lực lượng đặc biệt từ hai quốc gia. (Times of India)
* Qatar cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Ấn Độ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương. Cam kết được đưa ra sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại New Delhi.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên gấp đôi, đạt 28 tỷ USD, trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, hai bên cũng thảo luận về khả năng ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), điều này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai. (PTI)
* Nhật Bản kêu gọi chính quyền Taliban tôn trọng nhân quyền và thúc đẩy một tiến trình chính trị toàn diện khi một số quan chức cấp cao của Taliban thăm Tokyo theo lời mời của Quỹ Nippon Foundation và gặp người đứng đầu Cục các vấn đề Trung Đông-châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Ando Toshihide. (Kyodo)
* Trung-Nhật cần tăng cường truyền thông chính sách và làm rõ ranh giới an ninh kinh tế, theo lời Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khi gặp phái đoàn kinh tế Nhật Bản ở Bắc Kinh, ngày 18/2.
Ông đề nghị cả hai nước phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, đồng thời nhấn mạnh hai bên cũng nên duy trì hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là cốt lõi cũng như kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do giữa Trung-Nhật-Hàn. (THX)
* Triều Tiên hy vọng hợp tác mạnh mẽ với Trung Quốc, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong-ho khi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng Vương Á Quân, ngày 18/2.
Ông Pak Myong-ho bày tỏ hy vọng hai bên sẽ "tăng cường trao đổi và hợp tác" để đưa quan hệ lên tầm cao mới, trong khi Đại sứ Vương tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên trong năm nay để tăng cường liên lạc chiến lược và đẩy mạnh hợp tác thực tiễn nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. (Yonhap)
Trung Đông-châu Phi
* Hamas sẵn sàng thả toàn bộ con tin Israel còn lại trong giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza nhằm đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và Israel rút toàn bộ quân đội khỏi dải đất ven Địa Trung Hải, theo lời người phát ngôn phong trào này Hazem Qasym.
Bên cạnh đó, Hamas sẵn sàng thực hiện giai đoạn thứ hai và thứ ba của thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. (Al Jazeera)
* Iran bác bỏ kế hoạch tiếp quản Dải Gaza của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phát biểu tại cuộc gặp với thủ lĩnh phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) Ziad Nakhaleh tại thủ đô Tehran ngày 18/2, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng, kế hoạch này "sẽ không đi đến đâu". (IRNA)
* Iran tập trận quy mô lớn có tên “Nhà tiên tri vĩ đại 19” tại khu vực Tây Nam nước này với sự xuất hiện của nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) trinh sát và cảm tử do Iran tự sản xuất. (Tasnim)
Châu Mỹ
* Mỹ sa thải các công tố viên Liên bang còn lại từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden. Cáo buộc Bộ Tư pháp bị chính trị hóa mạnh mẽ, trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Chúng ta phải ‘dọn dẹp sạch sẽ’ ngay lập tức và khôi phục niềm tin. Thời đại hoàng kim của nước Mỹ phải có một hệ thống tư pháp công bằng”. (Reuters)
* Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an để cơ quan này phản ánh tốt hơn thực tế địa chính trị hiện nay.
Tin rằng LHQ vẫn là diễn đàn duy nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu, tuy nhiên, theo ông, dù có nền tảng cơ sở cho hợp tác quốc tế, nhưng LHQ vẫn cần cập nhật và phải nhắm mục tiêu cải thiện hoạt động. (RIA)
* Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đối mặt cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống vào năm 2022 sau khi ông thất bại trong cuộc đua này.
Trong thông báo, Tổng Công tố Brazil Paulo Gonet cho biết, ông đã đệ trình lên Tòa án tối cao Brazil các cáo buộc đối với ông Bolsonaro cùng với một số cựu bộ trưởng dưới thời ông, sau khi cảnh sát liên bang đưa ra các cáo buộc về âm mưu trên vào tháng 11 năm ngoái.
Ông Bolsonaro nhiều lần bác bỏ các cáo buộc nói trên, cho rằng động thái này mang yếu tố chính trị. (AP)