Bước ngoặt quan hệ quốc tế mới giữa Nga và Mỹ
Cuộc gặp giữa Nga và Mỹ tại Ả Rập Xê Út không chỉ đặt nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước, mà còn phản ánh những thay đổi lớn trong cách Nga - Mỹ tiếp cận địa chính trị.
Theo các nhà phân tích, đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai cường quốc Nga và Mỹ trong ba năm qua, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 40 năm Mỹ công nhận lợi ích của Nga và tiến hành đối thoại nghiêm túc về các mối quan ngại của Moscow.
Chia sẻ với đài RT, ông Dmitry Suslov, thành viên của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga nhận định, cuộc gặp ở Riyadh (Ả Rập Xê Út) đã minh chứng cho sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Washington đối với Moscow.
Theo ông Suslov, cuộc gặp này không chỉ thay đổi cách nhìn nhận của Mỹ về Nga trong những năm gần đây, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách của Washington đối với Moscow trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ quốc tế, mở ra khả năng hợp tác và tìm kiếm giải pháp thay vì đối đầu.
Cùng quan điểm, ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, cách mà châu Âu và Ukraine mong muốn chấm dứt xung đột - thông qua chiến thắng quân sự trên chiến trường - đã chứng minh không hiệu quả. Ukraine dường như không có khả năng tự bảo vệ mình.
Cuộc họp ở Riyadh không chỉ phản ánh điều này, mà còn báo hiệu một sự thay đổi lớn trong cục diện địa chính trị toàn cầu, khi các cường quốc buộc phải đánh giá lại chiến lược và khả năng thay đổi.
Với châu Âu, chuyên gia Maloof cho rằng, các quốc gia châu Âu đã “tự làm hại mình” khi muốn duy trì cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine mà không có đủ năng lực lâu dài. Sự thiếu hụt này buộc các quốc gia châu Âu phải đối mặt với thực tế rằng, họ không thể tiếp tục cuộc chiến, ngay cả khi mong muốn làm như vậy.
Trong khi đó, phản ứng trước cuộc gặp, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, ông đã hoãn chuyến thăm Ả Rập Xê Út dự kiến diễn ra hôm nay (19/2). Các nguồn tin thân cận cho biết, quyết định này được đưa ra nhằm tránh “hợp pháp hóa” cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết: “Các bạn có thể nói về bất cứ điều gì, nhưng không thể đưa ra quyết định về cách chấm dứt xung đột ở Ukraine, mà không có sự tham gia của Ukraine. Nếu chúng tôi đã không khuất phục tất cả các tối hậu thư vào thời điểm khó khăn nhất, thì tại sao chúng tôi phải làm điều đó bây giờ”.
Evelyn Farkas, giám đốc điều hành Viện McCain và là cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cảnh báo rằng, dù phản ứng thế nào, cuối cùng Ukraine sẽ phải bỏ phiếu quyết định về việc có chấp nhận thỏa thuận được đàm phán giữa Washington và Moscow hay không, dù đó có thể là một thỏa thuận không có lợi cho Kiev.