'Phận gái theo chồng' và cú sốc khi nhận ra bộ mặt thật của người bạn đời

Câu nói lạnh lùng như một nhát dao: 'Phận gái theo chồng, lo bên nội đi!', khiến tôi nghẹn ngào nhận ra người đàn ông từng hứa sẻ chia, nay lại coi bố mẹ tôi như một gánh nặng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng quê. Là chị cả, tôi sớm quen với trách nhiệm đè nặng trên vai. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, tôi từng muốn từ bỏ vì không đủ tiền, nhưng mẹ đã khóc và khuyên tôi theo đuổi giấc mơ. Suốt bốn năm đại học, trong khi bạn bè cùng trang lứa chỉ lo học hành, tôi vừa học vừa làm, xoay sở từng đồng để trang trải học phí, sinh hoạt phí và thậm chí còn dành dụm gửi về quê giúp đỡ gia đình.

Sau khi tốt nghiệp và đi làm, tôi chắt chiu mua vài vật dụng cần thiết cho bố mẹ, lập một cuốn sổ tiết kiệm nhỏ để phòng thân cho các em. Những tưởng cuộc sống sẽ tươi sáng hơn, nhưng sóng gió bắt đầu từ đây.

Khi gặp và kết hôn với Kiên, tôi cứ nghĩ mình đã tìm thấy bến đỗ an toàn. Dẫu không giàu, anh chân thành, hợp tính và gia cảnh hai bên cũng chẳng cách biệt nhiều. Chúng tôi cùng nhau phấn đấu, hy vọng sẽ mua được một căn chung cư sau vài năm tích góp. Nhưng đời không như là mơ.

Không lâu sau đám cưới, mẹ tôi bị tai nạn, liệt toàn thân, phải ngồi xe lăn. Như chưa đủ khó khăn, bố tôi – trụ cột gia đình – cũng gặp tai nạn giao thông nặng, khiến ông không còn khả năng lao động. Cảnh ngộ trớ trêu đẩy cả gia đình vào tình trạng kiệt quệ.

Là con cả, tôi không thể đứng nhìn. Tôi xin chồng mỗi tháng gửi về quê 2 triệu đồng để giúp bố mẹ trang trải. Đáp lại, Kiên miễn cưỡng đồng ý nhưng không giấu được sự bực dọc: “Hai triệu? Mình lương bao nhiêu mà em chi như thế! Bộ bố mẹ không còn ai lo à?”

Tôi giải thích trong nghẹn ngào: “Ba em còn nhỏ, chỉ đi làm thêm đủ ăn đủ học. Em là con cả, không giúp thì ai giúp? Bố mẹ em bệnh tật, họ đâu muốn thế…”

Nhưng câu trả lời của anh khiến tôi chết lặng: “Nhà anh cũng nghèo nhưng bố mẹ anh chưa bao giờ xin một đồng từ con cái. Bên ngoại cứ như thế thì nặng gánh quá.”

Dẫu lòng đau, tôi cố nhịn. Anh chốt lại bằng câu: “Thôi, một triệu là đủ rồi. Mình còn phải lo nhiều thứ khác!”

Từ đó, tôi chỉ dám gửi về một triệu mỗi tháng. Những lần về quê, tôi lén mua thêm chút thức ăn, hoa quả để bố mẹ đỡ tủi thân. Nhưng dường như, trong mắt chồng, tôi đang làm một việc không đáng.

Bữa cơm đạm bạc và cơn giận dữ

Tối hôm ấy, sau một ngày mệt nhoài, tôi chỉ kịp chuẩn bị bữa cơm đơn giản với chút canh và vài miếng thịt. Tôi nghĩ, Kiên sẽ hài lòng vì tiết kiệm. Nhưng trái lại, anh nổi giận đùng đùng: “Cơm nước thế này ai ăn được?!”

- “Em mệt, cuối tháng cũng hết tiền, nấu tạm thôi anh.”

Lời tôi chưa dứt, anh gắt lên: “Hết tiền? Chắc tiền lại mang về nhà ngoại chứ gì? Nói thật, em là phận gái theo chồng, đừng lúc nào cũng chăm chăm lo cho bên ngoại. Phải lo bên nhà chồng trước!”

Những lời anh nói như dao cứa vào tim tôi. Chẳng lẽ 1 triệu mỗi tháng khiến anh khó chịu đến thế? Bố mẹ tôi lâm vào cảnh khốn cùng mới cần tôi giúp, chứ đâu phải cố tình trở thành gánh nặng?

Giằng xé giữa gia đình và hôn nhân

Sau trận cãi vã, tôi ngồi lặng đi trong căn phòng nhỏ. Có lẽ Kiên nói đúng, cuộc sống của hai vợ chồng cũng chẳng dư dả gì. Nhưng nhìn lại, 1-2 triệu mỗi tháng có thể giúp bố mẹ tôi bớt khổ, mà cũng chẳng khiến chúng tôi giàu lên hay nghèo đi.

Tôi bối rối, không biết nên cắt khoản này để giữ lòng chồng hay tiếp tục âm thầm giúp bố mẹ. Nhưng nếu chồng tôi đã coi gia đình vợ như một gánh nặng, liệu hôn nhân của chúng tôi có còn bền lâu?

Trâm Anh (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/-phan-gai-theo-chong-va-cu-soc-khi-nhan-ra-bo-mat-that-cua-nguoi-ban-doi/20241204084152599
Zalo