Phân cấp, phân quyền rõ ràng để không bị chồng chéo giữa Trung ương và địa phương

Các ĐBQH đề nghị làm rõ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

Các ĐBQH dự phiên thảo luận ngày 14-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các ĐBQH dự phiên thảo luận ngày 14-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 14-2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Các đại biểu (ĐB) tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, khắc phục những hạn chế, bất cập trong luật hiện hành. Ý kiến chung của nhiều ĐB là đề nghị làm rõ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

ĐB Lê Xuân Thân (đoàn ĐBQH Khánh Hòa) cho rằng, việc dự thảo quy định Thủ tướng không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là rất phù hợp với vai trò quản trị nền hành chính quốc gia. ĐB ví dụ quy định việc bắn pháo hoa ở các lễ hội, đó là những công việc mang tính chất sự vụ nhỏ nhưng vẫn giao cho Thủ tướng, như vậy thì Thủ tướng sẽ không có thời gian để lo vấn đề quản trị nền hành chính quốc gia.

 ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: VIẾT CHUNG

Nhiều ĐB băn khoăn khi dự thảo chưa quy định rõ việc nào của Trung ương, việc nào thuộc về địa phương sẽ gây rắc rối trong quá trình điều hành. Nếu không quy định rõ việc phân cấp thì ngay cả một việc đơn giản như vận hành các hồ thủy điện cũng phải xin ý kiến Thủ tướng. Điều này sẽ hạn chế rất nhiều quyền hạn của các bộ.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị việc phân cấp phân quyền cần gắn với làm rõ trách nhiệm. Khi thực hiện cuộc đổi mới về tinh gọn bộ máy, tinh gọn biên chế thì một trong những yếu tố rất quan trọng là Nhà nước không nên ôm việc nhiều quá. Nếu chúng ta vẫn còn ôm việc thì phải sinh ra con người và bộ máy để thực hiện. Những gì xã hội làm được, tư nhân làm được thì nhà nước nên mở để tư nhân làm. Kể cả những dịch vụ công mà tư nhân có thể làm được thì cũng nên giảm bớt chuyện nhà nước, Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, dành nguồn lực lo những việc quốc phòng an ninh, an sinh xã hội”, ĐB Tạ Văn Hạ nêu.

Theo ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam), phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Cụ thể, một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách. Nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.

Về nguy cơ cát cứ quyền lực, ĐB Trần Văn Khải nêu rõ, chính quyền địa phương có thể lạm quyền và thiếu kiểm soát. Việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung. Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh có thể tận dụng việc phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác, ngược lại các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm dụng quyền lực để trục lợi.

Từ phân tích trên, ĐB Trần Văn Khải đề nghị bổ sung nguyên tắc phân quyền có điều kiện, chỉ phân quyền địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, năng lực quản trị. Cần xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền.

“Tôi đề nghị thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Nếu phân cấp mà thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp. Phân cấp quá mạnh có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với Trung ương. Do đó, cần bổ sung cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hàng năm, các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ”, ĐB Trần Văn Khải phát biểu.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: VIẾT CHUNG

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng, dự thảo chưa làm rõ “ranh giới” giữa phân quyền (trao quyền quyết định độc lập) và phân cấp (trao quyền thực hiện nhưng chịu sự chỉ đạo từ trên xuống). Nếu không có “ranh giới” rõ ràng, có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương.

Do đó cần làm rõ khái niệm “phân quyền” và “phân cấp” theo hướng: phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực (như phát triển kinh tế - xã hội địa phương); phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn chịu sự giám sát.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị luật quy định khung, còn nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng hơn để người được phân quyền, ủy quyền, giao quyền yên tâm triển khai làm việc. Theo ông, trừ khi xảy ra trường hợp người đứng đầu, người “phất cờ” thu vén cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng thì cần phải xử lý. Còn vấn đề do khách quan, do nôn nóng công việc phải xung trận để đạt được mục đích, yêu cầu thì phải được xem xét thấu đáo.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tư duy đột phá trong xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) chính là hoàn thiện nguyên tắc phân quyền, phân cấp nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo của cả hệ thống hành chính nhà nước.

“Đây là một đề xuất mới mang tính lịch sử chưa có tiền lệ nhưng cần thiết đặt trong bối cảnh, điều kiện rất đặc biệt để đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-cap-phan-quyen-ro-rang-de-khong-bi-chong-cheo-giua-trung-uong-va-dia-phuong-post781855.html
Zalo