Phản bác các quan điểm sai trái xuyên tạc cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang bước vào giai đoạn nước rút, đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân. Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ, trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết với quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc nhằm gây hoang mang lòng tin trong dân, gây khó khăn, tạo thêm áp lực cho Đảng ta trong quá trình thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vũ Hồng Văn và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh chủ trì hội nghị cho ý kiến về Đề án Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh vào chiều 25-4. Ảnh: Bùi Cúc
Vì vậy, mỗi người dân cần phải tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng nhằm giúp cho cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đạt được thắng lợi.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là yêu cầu của sự phát triển, phù hợp với xu thế
Bối cảnh xã hội hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp và hiệu quả cao từ bộ máy của hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tinh giản, sắp xếp lại các đơn vị hành chính trở thành một xu hướng tất yếu. Trong những năm vừa qua, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo, tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng, nhất là chi phí vận hành hệ thống tổ chức quá lớn, chiếm tới 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước. Vì vậy, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” vừa phù hợp với xu thế, vừa là đòi hỏi tất yếu, cấp bách từ thực tiễn của đất nước, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí nuôi bộ máy, ưu tiên nguồn lực cho phát triển đất nước và phục vụ người dân tốt hơn.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Singapore cho thấy, việc sắp xếp, cắt giảm đơn vị hành chính, cắt giảm nhân sự kết hợp đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ hiện đại, vận hành chính phủ điện tử không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc, mà còn giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị và tăng khả năng cạnh tranh quốc gia. Cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết 18 ở nước ta những năm vừa qua, đã chứng minh cho tính hiệu quả của việc tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết với luận điệu sai trái cho rằng, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, cắt giảm nhân sự, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp sẽ làm suy giảm hiệu quả hoạt động, làm gián đoạn quy trình điều hành của bộ máy?! Nhận định như vậy là chủ quan, không có cơ sở, là chưa hiểu đúng, đầy đủ về nền hành chính hiện đại. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Hiệu quả hoạt động của bộ máy không chỉ phụ thuộc vào số lượng nhân sự hay quy mô tổ chức, mà cốt lõi là ở cách vận hành bộ máy khoa học. Khi phân bổ nguồn lực hợp lý, không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, thực hiện phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, đội ngũ cán bộ, công chức giỏi, tinh thông nghiệp vụ thì bộ máy sẽ hoạt động thông suốt, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trong những năm vừa qua, việc tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai mô hình chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu suất làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (Đề án 06) đang loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt” và tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 2.500 tỷ đồng. Hoặc theo Bộ Tài chính, tính đến năm 2020, ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không làm suy giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy, mà đó còn là chìa khóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng đến một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Tinh giản bộ máy chính là công cụ chiến lược giúp Chính phủ phân phối nguồn lực công bằng và hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách vùng miền và đảm bảo cho mọi người dân đều được hưởng lợi một cách công bằng từ các chương trình phát triển.
Tinh gọn bộ máy không phải tạo ra sự bất bình đẳng vùng miền, mà là để phục vụ dân tốt hơn
Cả nước đang khẩn trương sắp xếp các đơn vị hành chính. Theo đó, sẽ thu gọn từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 đơn vị và 10.035 đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm còn hơn 3.320 đơn vị. Khi sáp nhập, quy mô, phạm vi của xã và tỉnh sẽ rộng hơn rất nhiều. Sắp tới đây, khi người dân đến xã hay tỉnh để giải quyết công việc sẽ đi xa hơn, đó là một thực tế. Người dân băn khoăn, lo ngại cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này không phải là vấn đề lớn, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được, bởi sự đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, phần lớn đều đã và đang gấp rút triển khai theo hướng kết nối hiện đại, đồng bộ, việc đi lại của người dân vì thế sẽ ngày càng thuận tiện hơn.
Cải cách hành chính cùng với áp dụng các dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân, dù ở bất kỳ đâu, kể cả vùng sâu, vùng xa, thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng tại nhà chỉ bằng vài thao tác trên các thiết bị điện tử mà không cần trực tiếp đến cơ quan nhà nước. Điều này không chỉ giảm chi phí đi lại, mà còn rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, tạo ra môi trường hành chính minh bạch, thông thoáng và tiện lợi hơn. Đây là bước tiến lớn trong hành trình hiện đại hóa nền hành chính, cho thấy sự đúng đắn và khả năng thực tế của việc gắn kết tinh giản bộ máy với cải cách hành chính và chuyển đổi số.
Tinh gọn bộ máy để phân phối nguồn lực công bằng và hiệu quả hơn
Mục tiêu hướng đến khi thực hiện tinh gọn bộ máy là để khắc phục trình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, giúp tạo ra một cơ chế vận hành đồng bộ và minh bạch hơn; đồng thời, nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu suất quản lý, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các địa phương và tạo sự công bằng trong hưởng thụ những thành quả.
Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy đã giúp chúng ta tiết kiệm nguồn ngân sách để đầu tư cho phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội như: Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Giảm nghèo bền vững, hay gần đây là Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cũng nhờ điều chỉnh nguồn lực từ tinh giản bộ máy mà chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực về cải thiện hệ thống hạ tầng, giao thông, điện, đường, trường, trạm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đến nay, đường bê tông đã được xây dựng về đến hầu hết trung tâm xã vùng cao; thông tin liên lạc, internet, mạng viễn thông di động được phủ sóng rộng rãi đến từng thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2024, 100% xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia, trên 98% xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng; hơn 3 ngàn điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân; mạng điện thoại di động phủ sóng khắp vùng đồng bao dân tộc thiểu số với tỷ lệ phủ sóng mạng di động băng thông rộng 4G đạt 99,8% tổng dân số. Năm học mới 2025-2026 tới, Chính phủ sẽ miễn học phí cho tất cả học sinh từ mầm non đến phổ thông trung học của cả nước. Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp tục chỉ đạo: “không chỉ miễn học phí mà sắp tới, chúng ta còn phải nuôi cho các em ăn học và đến năm 2030, bên cạnh miễn học phí còn sẽ miễn viện phí cho người dân”.