Chủ tịch Quốc hội nói về việc bố trí cán bộ chủ chốt khi sáp nhập tỉnh thành

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua cuối tuần nào Bộ Chính trị cũng họp với các địa phương về việc sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ chủ chốt đối với các tỉnh thành sau khi tiến hành sáp nhập…

Chiều 7-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.

Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm là việc tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân đều mong muốn bộ máy nhà nước hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Theo ông, giai đoạn đầu của tiến trình này đã sắp xếp bộ máy ở Trung ương như Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành.

Giai đoạn hai sắp tới sẽ phức tạp hơn rất nhiều, khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã.

Theo phương án dự kiến, sau khi sắp xếp, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành (còn 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh). Nếu được Quốc hội thông qua, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ dẫn tới việc kết thúc 694 đơn vị hành chính cấp huyện.

Với cấp xã, hiện có hơn 10.000 đơn vị, chủ trương đặt ra là giảm 60–70%, tức còn khoảng 3.320 đơn vị.

“Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sắp xếp cấp huyện trong tháng 5 này. Sau khi có nghị quyết chính thức, mới xác định được cụ thể số lượng đơn vị cấp xã còn lại”, ông Mẫn thông tin.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Lâm Hiền)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Lâm Hiền)

Chủ tịch Quốc hội cho hay, lần sửa Hiến pháp này chỉ tập trung điều chỉnh khoảng 8/120 điều, chủ yếu liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lại các đơn vị hành chính.

Đối với việc sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho biết lần sửa đổi này sẽ tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. “Địa phương quyết thì địa phương phải có nguồn lực để thực hiện và chịu trách nhiệm. Không thể giao dự án, giao tiền rồi lại phải xin ý kiến Trung ương”.

Ông cũng lưu ý, Quốc hội không nên duyệt danh mục dự án, tiền cụ thể mà chỉ nên giám sát thu - chi tổng thể, để việc điều hành thuộc về Chính phủ và địa phương. “Duyệt dự án trong phòng máy lạnh thì không sát thực tế”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Theo ông, việc sắp xếp bộ máy không chỉ giảm đầu mối mà còn tạo nguồn lực phát triển. Nhờ tinh giản bộ máy, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương miễn học phí từ bậc mầm non đến phổ thông, dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng.

Về y tế, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng định hướng tiến tới miễn viện phí cho toàn dân và mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Để thực hiện, cần khoảng 25.000 tỉ đồng mỗi năm – con số được đánh giá là trong khả năng đáp ứng nếu bộ máy tiếp tục tinh gọn.

Về công tác cán bộ sau sáp nhập, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Sắp xếp thì dễ, nhưng chọn cán bộ mới là việc khó”. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ giữ các vị trí chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã... sau khi đơn vị hành chính cũ bị giải thể. Việc này đòi hỏi tính toán kỹ lưỡng vì không phải cán bộ nào cũng đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện mới.

Ông dẫn chứng, nếu ba tỉnh sáp nhập, chỉ riêng hai sở là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đã có sáu giám đốc sở, sau sắp xếp sẽ chỉ còn một người giữ chức giám đốc. Cấp phó có thể giữ nguyên, nhưng cấp dưới cần được bố trí lại, đặc biệt là tăng cường cho cấp xã thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Chính vì những phức tạp này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, cuối tuần nào Bộ Chính trị cũng họp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn.

Xử lý thế nào đối với trụ sở dôi dư

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng trụ sở bỏ hoang sau sắp xếp như đã từng xảy ra. Ông cho biết, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rõ, trụ sở dôi dư phải sử dụng vào mục đích giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng, để “người già đánh cờ, trẻ em có chỗ đánh bóng bàn, bóng chuyền”.

“Có những tỉnh xây dựng trụ sở rất đàng hoàng, bài bản nhưng về tỉnh mới, thì chỗ đó làm gì?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và cho hay thời gian quan Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo hết sức quyết liệt phòng chống lãng phí.

Tại phiên khai mạc kỳ họp này, Thủ tướng cũng báo cáo, tháo gỡ khó khăn cho dự án tồn đọng thì có thể có thêm 235 tỷ USD, gần bằng nửa quy mô nền kinh tế.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chu-tich-quoc-hoi-noi-ve-viec-bo-tri-can-bo-chu-chot-khi-sap-nhap-tinh-thanh-post848491.html
Zalo