Phạm Công Thắng, những cảm xúc tiếp nối

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Công Thắng, dẫu đã ngoại thất thập nhưng anh luôn đam mê, dấn thân. Trái tim nghệ sĩ của anh dường như bất chấp năm tháng. Cách đây vài ngày anh nhắn tin, mời tôi đến dự khai mạc ảnh 'Những lát cắt cảm xúc', nhưng ngày sau tôi mới tới được. Tôi muốn chọn thời điểm yên tĩnh đến ngắm, đọc ảnh của anh.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng.

"Những lát cắt cảm xúc" gồm 30 bức, khổ 40x40cm, diễn ra từ ngày 20/10 - 30/10/2024 tại "Ký ức nhiếp ảnh" - 225A Đặng Tiến Đông (Hà Nội). Phạm Công Thắng gọi khiêm tốn là trưng bày ảnh nghệ thuật, nhưng thực ra đó là một triển lãm mini. Và anh cũng chỉ chọn 30 bức trong số hàng ngàn thước phim, file ảnh (thời số). Địa điểm cũng chính là tư gia, không gian của Gallery có một không hai ở Việt Nam.

Khi anh tra chìa khóa mở cửa, đập vào mắt là những tác phẩm nghệ thuật mà anh trưng bày, suốt lối vào và mặt tường dọc cầu thang. Tôi hiểu ra, vì sao anh chọn ngày 20/10 làm ngày khai mạc triển lãm. Trong số ảnh trưng bày có 12 bức về phụ nữ, 14 bức về trẻ em - đối tượng nghệ thuật của anh.

Chân dung nghệ thuật "Mẹ Thứ" được anh treo trang trọng. Khen về bố cục, ánh sáng, góc chụp... sẽ hơi thừa, bởi anh là một NSNA - hội viên lâu năm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thành viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (FIAP). Vấn đề quan trọng nhất, là thông điệp.

Có nhiều tác phẩm NSNA Phạm Công Thắng chưa kịp đặt tên, được anh đánh số. Ngắm bức ảnh các cháu gái ở các bức ảnh No25, No27, No30... với đôi mắt tròn, trong trẻo, gợi thông điệp về quyền trẻ em. Hình ảnh hai cháu gái lấm lem ở bức No24 vùng cao Lũng Cú, Hà Giang cũng có ý nghĩa tương tự; rằng, còn phải làm rất nhiều việc, bởi "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai".

Các tác phẩm No5, No6, No8, No10 về phụ nữ các dân tộc ít người cũng thực sự ám gợi. Câu chuyện về bình đẳng giới, bao giờ đến được với rẻo cao? Ảnh của Phạm Công Thắng là đời sống, thân phận, bên cạnh chất thơ của những tác phẩm nghệ thuật.

"Sau cơn mưa", đối tượng là một cành cây khẳng khiu, không hề có chiếc lá nào và đàn cò con đậu, con bay; hậu cảnh là cầu vồng ngũ sắc... mang đến cảm giác hoảng hốt, bất an về cân bằng sinh thái. Biến đổi khí hậu... làm cho thiên tai ngày càng diễn biến bất thường. Thêm vào đó là nhân tai, đã và đang đe dọa đến môi trường sống của muôn loài và con người.

Tôi đã phải dừng lại khá lâu trước bức ảnh "Nét tâm tư" với thông điệp xưa - nay của văn hóa dân tộc; "Đồng dạng" - bức tranh giàu liêu trai, thủy mặc nhưng có ngôn ngữ đời sống của NSNA Phạm Công Thắng.

NSNA Phạm Công Thắng chia sẻ, anh tâm đắc với những bức ảnh chụp nụ cười mãn nguyện pha chút trầm tư, xa xăm của cụ già 100 tuổi trong lễ hội làng Đình Bảng, Bắc Ninh, chụp năm 2002; cụ bà 90 tuổi bên cái cối giã trầu tại Hoàng Quang (Hoàng Hóa, Thanh Hóa), chụp năm 1985… Tác phẩm của Phạm Công Thắng thể hiện những cảm xúc khác nhau, ngôn ngữ ảnh sống động.

Hình như Phạm Công Thắng sinh ra để giương ống kính? Chỉ biết "máu ảnh" ngấm vào anh từ tấm bé. Anh xuất thân từ một "gia đình nòi" ở Thanh Hóa. Anh đã hai lần triển lãm ảnh cá nhân, mang tên "Quê hương" (năm 1999, tại Thanh Hóa) và "Khoảnh khắc" (năm 2011), tại Hà Nội. Năm 2017, anh xuất bản sách ảnh "Lãng du cùng Phạm Công Thắng" - tác phẩm ảnh nghệ thuật này được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đưa vào dự án và tái bản 2020.

Khai mạc triển lãm “Những lát cắt cảm xúc” của Phạm Công Thắng.

Khai mạc triển lãm “Những lát cắt cảm xúc” của Phạm Công Thắng.

Nhớ lại, hồi anh trình làng "Lãng du cùng Phạm Công Thắng", quan khách, bạn bè trong giới xôm tụ đầy đủ tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội). Triển lãm chỉ có 100 bức ảnh, chỉ là một góc nhỏ thuộc gia tài nghệ thuật. Nhưng đó là những tác phẩm xuất sắc đoạt nhiều giải thưởng như: "Mẹ" (Huy chương đồng Triển lãm nghệ thuật miền Trung năm 1999), "Làng đào Phú Thượng" (Huy chương bạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật Thủ đô, 2006)...

Trên giá sách nhà tôi, ấn phẩm này luôn được đặt ở vị trí trang trọng. Nó không chỉ là tập hợp hơn 180 bức ảnh nghệ thuật chọn lọc của 30 năm cầm máy, rong ruổi khắp mọi miền đất nước, từ Hà Giang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... rồi miền Nam; mà còn là tuổi xuân, mồ hôi, nước mắt, cả những lần sảy chân suýt chết khi tác nghiệp của một nghệ sĩ.

Ống kính của Phạm Công Thắng là quán chiếu mọi góc của đời sống. Lạc vào nhiếp ảnh của anh là được đắm mình vào những công việc thường nhật, gắn bó với con người, cánh đồng, quê hương, làng mạc... rất đỗi thân thuộc. Đặc biệt, đó là thứ ánh sáng suy tưởng của thân phận, kiếp người nổi trôi.

"...Người xem nhận ra mạch nguồn cảm xúc của tác giả trước những đề tài quen thuộc nhưng lại có sự khám phá mới với góc nhìn khác biệt. Người xem cứ bị cuốn hút bởi những cảm xúc của nghệ sĩ, ông lặng nhìn cuộc sống và tìm ra vẻ đẹp từ những cuộc đời bình dị đó", NSNA Nguyễn Thành chia sẻ cảm xúc về ảnh nghệ thuật Phạm Công Thắng.

Phạm Công Thắng là người đa cảm, nhưng cũng là người của sự quyết đoán. Giống như cái cách Phạm Công Thắng bất ngờ "gồng gánh" vợ con ra Hà Nội lập nghiệp năm nào. Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để chống COVID-19, cách đây 2 năm, anh âm thầm thực hiện dự án gallery "Ký ức Nhiếp ảnh" tại tư gia. Anh kể trong một giấc mơ, được một cụ già râu tóc bạc phơ, tay chống gậy hèo nhắc nhở. Thế rồi làm. Dành cả tầng 2 căn nhà ở phố Đặng Tiến Đông, đầu tư tiền bạc, thuê chuyên gia thiết kế...

Khởi đầu xây dựng Gallery, anh thổ lộ ý định trên trang cá nhân. Điều Phạm Công Thắng bất ngờ là các nghệ sĩ, người nhà những nghệ sĩ đã quá cố, nhiếp ảnh gia, nhà báo và rất nhiều người mà anh không hề quen biết, ủng hộ ngoài tưởng tượng.

Gần 2 năm qua, ngày nào anh cũng tất bật. Tiếp khách, tiếp nhận hiện vật, mọi người trân quý đến tặng. Có ngày anh phải tiếp nhiều đoàn, nhiều người đến trao tặng kỷ vật. Có người ở xa không đến trực tiếp còn gửi qua đường bưu điện. NSNA Thái Phiên - người chụp ảnh nude số 1 Việt Nam gửi từ TP Hồ Chí Minh ra tặng anh máy Nikon Af - F800S, đã từng chụp cho hàng trăm người đẹp.

Trong số những hiện vật được mọi người tặng, có không ít kỷ vật vô giá. Đó là chiếc máy ảnh Pentax của NSNA Hoàng Kim Đáng được ông coi như vật báu mua cách đây 45 năm chuyên chụp cho các chính trị gia lớn như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các văn nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi. Đó là chiếc máy ảnh D200 của Anh hùng Lao động, NSNA Trần Lam - nguyên Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang.

Bằng chiếc máy ảnh này NSNA Trần Lam đã chụp tác phẩm nổi tiếng "Mặt trời trong Lăng sáng tỏa" được Tập đoàn Tân Tạo mua với giá 1 triệu đô la (năm 2008). Toàn bộ số tiền này được tặng cho "Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang", thực hiện 500 ca phẫu thuật trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Đó là chiếc máy ảnh cổ Zeiss Ikon có tuổi đời trên 80 năm của doanh nhân Bùi Việt Hưng; máy chiếu phim dương bản sản xuất năm 1930 của nhiếp ảnh gia, TS. Nguyễn Ngọc Bình...

Cho đến bây giờ NSNA Phạm Công Thắng vẫn nhắc đến việc ngày 11/6/2023, anh nhận được chiếc máy ảnh có tuổi từ năm 1950, chân đế chữ A, có bánh xe đẩy, cao 1m70, chụp phim 6x6 và 6x9, dùng khăn trùm sáng khi chụp. Đây là chiếc máy của viên quan ba Pháp, Trưởng Đồn Tông (Sơn Tây) mua của ông Tô Viện Ký (người Hoa) sinh sống tại Sài Gòn thời Pháp thuộc.

Mỗi kỷ vật trong "Ký ức Nhiếp ảnh" của NSNA Phạm Công Thắng, đều có đời sống, số phận. Đằng sau kỷ vật là những câu chuyện về con người, dấu ấn nghề nghiệp thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Nhiếp ảnh Việt Nam song hành cùng lịch sử của dân tộc. "Ký ức Nhiếp ảnh" của NSNA Phạm Công Thắng dẫu mới là một bảo tàng mini của một cá nhân, nhưng các hiện vật được trưng bày đã cho thấy một phần của lịch sử hào hùng. Tôi dám chắc rằng, lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam có một phần "ký ức" mà NSNA Phạm Công Thắng từng "lãng du". Có "bước chân" và những cống hiến của anh khi lập nên "Ký ức nhiếp ảnh".

Chơi thân với NSNA Phạm Công Thắng dễ chừng 30 năm nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi anh "rẽ" vào văn chương. Truyện ngắn của anh được in trên các báo từ Trung ương đến địa phương chuyên về văn học nghệ thuật, trong đó có Văn nghệ Công an. Cho đến nay, anh đã "sòn sòn" cho ra mắt ba tập truyện "Ngã rẽ" năm 2021, "Tình yêu thời hậu chiến" năm 2022; "Bão đời", năm 2024.

Phạm Công Thắng tự hào khi gái đầu đang làm "thân phận phu nhân" ngoại giao ở nước ngoài nhưng đã là một tác giả văn xuôi, để lại dấu ấn trong lớp trẻ; con trai là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng, chuyên chụp showbiz ở TP Hồ Chí Minh. Họ luôn cổ vũ cho nhau, tiếp nối sáng tạo.

Ngày 23/10/2024

Ngô Đức Hành

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/pham-cong-thang-nhung-cam-xuc-tiep-noi-i748855/
Zalo