Những ngôi làng truyền thống dưới chân Thành Nhà Hồ

Giá trị của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ không chỉ hiện hữu ở những công trình kiến trúc thành quách, cung điện. Giá trị ấy được tôn lên gấp nhiều lần bởi vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đa dạng, có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp tới tòa thành lịch sử và vương triều Hồ. Trong đó, nét độc đáo của những ngôi làng truyền thống dưới chân Thành Nhà Hồ đã và đang tạo thành phức hợp di sản độc đáo, có tính biểu tượng cao.

Ngôi nhà cổ có “tuổi đời” hơn 210 năm của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng tại thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc).

Ngôi nhà cổ có “tuổi đời” hơn 210 năm của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng tại thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc).

Các ghi chép từ thư tịch cổ và kết quả khai quật, khảo sát di sản cho thấy, Thành Nhà Hồ được quy hoạch xây dựng rất bài bản, quy mô. Trong đó, phía ngoài 4 cửa thành là các phố xá nhộn nhịp bán buôn, đô hội... Phố phường sầm uất một thời của kinh đô nay chỉ còn là quá vãng, thay vào đó là sự hiện diện của những ngôi làng truyền thống. Bên tòa thành đá, hàng chục ngôi làng truyền thống phân bố ở vùng đệm và vùng phụ cận như chứng nhân của lịch sử. Những cái tên làng Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn, Thổ Phụ, Phương Giai... đã trở thành điểm kết nối, tham quan không thể bỏ qua trong hành trình về với vùng đất Tây Đô, về với Thành Nhà Hồ.

Ngược dòng lịch sử, cùng với việc xây thành, nhà Hồ đã cho xây dựng những phố phường, như: phố Hoa Nhai và các phường: Thành, Thị, Chác, Bãi Chợ, Hồ Me, Vạn Ninh, Lan Giai... Phố Hoa Nhai nằm trên đường phố chính chạy từ cổng Nam thành đến chân núi Đún (còn gọi là đường cái Hoa). Về chợ thì có chợ Tây Đô nằm ở phường Lan Giai, phía cổng Tây thành An Tôn. Việc nhà Hồ mở mang phố phường, chợ buôn bán đã thu hút thợ thủ công, thương lái đến làm ăn sinh sống. Đồng thời cũng có cả quan lại thời Trần, thời Hồ ở lại mảnh đất An Tôn này. Chính vì vậy, một thời phố Hoa Nhai rất sầm uất, tấp nập người mua kẻ bán.

Trải qua biến động lịch sử, cùng với sự khép lại của vương triều Hồ, những phố phường nhộn nhịp không còn, trả lại dáng vẻ hồn hậu, chân chất cho những ngôi làng. Phố Hoa Nhai sầm uất bán buôn dần dịch chuyển thành làng Xuân Nhai/Xuân Giai thuần nông. Chỉ một chút thay đổi của tên làng đã cho thấy bao điều biến chuyển.

Về làng Tây Giai nghe chuyện nhà Hồ xây dựng thành, kiến thiết kinh đô để hiểu hơn lịch sử những ngôi làng truyền thống dưới chân thành đá. Những ký ức về phường Lan Giai (Tây Nhai, Tây Vệ) dưới thời nhà Hồ vẫn còn hiện hữu trong những hiện vật, dấu tích lưu lại nơi đây. Xưa kia, phường Lan Giai có đường phố, có chợ nằm trên một khu đất cao ráo. Đường phố được lát đá từ cửa Tây thành An Tôn ra đến tận bờ sông Mã, nơi có bến ngự. Cũng như Xuân Giai, kể từ khi có phường, có chợ, các thợ thủ công, dân buôn bán đã tụ về đây sinh sống, lập nghiệp. Sau đó, những năm nhà Minh xâm lược nước ta, chiếm đóng thành Tây Đô, dân buôn bán và thợ thủ công bỏ đi nơi khác, chỉ còn lại những người nông dân chân chất ở lại bám ruộng đồng.

Đến nay, làng Tây Giai vẫn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu như: Nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng, đình làng Tây Giai,... Nếp sống, nếp nghĩ vẫn thuần nông, chất phác, đề cao giá trị văn hóa truyền thống. Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư chi bộ thôn Tây Giai hào hứng chia sẻ về hội tương tế của làng – một mô hình đại đoàn kết vừa dân dã vừa thấm đẫm giá trị nhân văn, được các thế hệ cháu con kế thừa và phát huy từ đời này qua đời khác, trở thành nét đẹp đáng trân trọng.

Từ những năm tháng thiếu thốn đủ bề hay đến khi cuộc sống đã vơi bớt đi nhiều nỗi khó khăn, mục đích, ý nghĩa của hội tương tế làng Tây Giai vẫn luôn đề cao tinh thần sẻ chia, nhân ái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, dòng tộc thông qua những việc làm thiết thực nhất. Mỗi tháng sẽ có 6 hộ của 2 họ (họ lớn và họ nhỏ) thuộc hội tương tế được nhận gạo quyên góp từ các thành viên khác trong họ. Mỗi năm, họ sẽ cử ra ông Câu là người điều hành các hoạt động của họ. Hằng tháng, theo hiệu lệnh của ông Câu, các thành viên trong họ sẽ mang gạo đến góp, sau đó chia đều cho 6 hộ đó. Các hộ đã được nhận gạo ở tháng này sẽ không được nhận ở các tháng tiếp theo mà chuyển cho các hộ khác.

Trong hội có hội viên qua đời, nhận được hiệu lệnh của ông Câu, các hội viên trong hội phải có mặt đông đủ, bất kể thời gian nào. Đối với những trường hợp “bất khả kháng” như hội viên tuổi cao sức yếu, bệnh tật hay đi làm ăn xa thì phải báo lại với ông Câu, “ủy quyền” cho vợ con đi thay. Khi điểm danh, hội viên nào vắng mặt sẽ bị ghi sổ và phạt tiền. Đây là những quy định được hội tương tế duy trì, nghiêm túc thực hiện dẫu chẳng có bất kỳ ràng buộc, quy định pháp lý nào. Điều đó càng thể hiện được ý thức, trách nhiệm, tinh thần cộng đồng “đáng nể” của người dân nơi đây.

Từ trong nếp sống của làng lấp lánh vẻ đẹp của mỗi nếp nhà riêng. Với “tuổi đời” hơn 210 năm, ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng không chỉ là “chứng nhân” của một gia đình, dòng họ mà song hành cùng lịch sử hình thành và phát triển của làng, xã, của cả vùng đất Tây Đô. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1810 dưới bàn tay của những người thợ tài hoa vùng Nam Hà (Hà Nam ngày nay) và làng Đạt Tài (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ngôi nhà có 7 gian bằng gỗ, kiến trúc theo kiểu chồng rường, kẻ chuyền và chồng rường, kẻ bẩy. Mái ngói vẩy; từng nét hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế theo các chủ đề “tứ linh”, “tứ quý”, chữ Thọ cách điệu... Tháng 9/2002, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp trùng tu trên nguyên tắc đảm bảo tính nguyên bản. Sau thời gian trùng tu, ngôi nhà được UNESCO công nhận là một trong 10 nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất của Việt Nam. Năm 2004, dự án trùng tu nhà cổ dân gian này đạt Giải thưởng danh dự của UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương về bảo tồn di sản văn hóa.

Là hậu duệ đời thứ 7 của dòng họ Phạm, ông Phạm Ngọc Tùng và gia đình luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi được sống trong ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, cũng là nơi thờ cúng dòng tộc. Dưới mái nhà này, ông và gia đình đã cùng nhau trải qua mọi nhẽ buồn – vui, sướng – khổ trong cuộc đời; là nơi cháu con dòng họ Phạm đi xa về gần dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính với gia tiên tiền tổ. Đặc biệt, với giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ông Tùng cho hay: “Bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà gỗ bền bỉ song hành với thời gian đã khó, việc làm sao giữ được nền nếp gia phong, truyền thống gia đình đã được hình thành và tiếp nối qua bao thế hệ mới là điều quan trọng nhất”. Vì thế nên ông Tùng vẫn luôn răn dạy các con: “Dù cuộc sống có thay đổi ra sao cũng phải quyết tâm gìn giữ ngôi nhà cổ, gìn giữ đạo nghĩa gia đình. Để ngôi nhà cổ mãi là điểm nhấn ấn tượng trong vùng di sản”.

Việc xây dựng Thành Nhà Hồ, dời kinh đô về An Tôn đã tạo nên những biến chuyển sâu sắc của vùng quê “cuối nước đầu non” trở thành trung tâm chính trị cả nước. Ở đó, lịch sử hình thành và phát triển của những ngôi làng cổ là minh chứng sinh động cho những biến chuyển ấy. Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ chia sẻ: “Một trong những điểm khác của di sản Thành Nhà Hồ là hiện nay cộng đồng dân cư đang sinh kế ngay trong vùng lõi; các ngôi làng truyền thống bao quanh 4 cửa tòa thành với mật độ dày, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu. Sức sống của những ngôi làng truyền thống có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổng thể không gian văn hóa Thành Nhà Hồ. Sự phong phú, đa dạng của các ngôi làng truyền thống cho phép trung tâm xây dựng chiến lược mở nhằm khai thác tối đa giá trị văn hóa của vùng đệm để triển khai thêm các tour, tuyến phục vụ phát triển du lịch”.

Tại quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan làng truyền thống là một trong những điểm nổi bật. Theo đó, làng Xuân Giai lấy không gian, kiến trúc cảnh quan của công trình tôn giáo, tín ngưỡng làm hạt nhân bố cục. Hai bên đường Hòe Nhai được cải tạo, chỉnh trang mặt đứng (không có vỉa hè) tạo phong cách kiến trúc truyền thống. Mặt đường Hòe Nhai lát đá trên cơ sở kết quả khảo cổ học, một số chỗ trên mặt đường được xây dựng các hố trưng bày khảo cổ. Làng Đông Môn và làng Tây Giai lấy đình Đông Môn, đình Tây Giai và nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng (làng Tây Giai) làm hạt nhân. Bảo tồn kiến trúc nhà ở trong làng theo hình thức nhà ở truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Trung bộ. Cánh đồng Xuân Giai và cánh đồng Nam Giao bảo tồn nguyên trạng là cánh đồng trồng lúa truyền thống, khai thác phục vụ du lịch...

Quyết định số 1316/QĐ-TTg có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và các vùng phụ cận. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị Thành Nhà Hồ và các vùng phụ cận, trong đó có những ngôi làng truyền thống, điều quan trọng nhất chính là đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung, dự án theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg. Song song với đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm; một mặt kết nối với các đơn vị du lịch, lữ hành xây dựng tour, tuyến tham quan, trải nghiệm thu hút khách du lịch; một mặt phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, văn hóa trong nội tại những ngôi làng truyền thống...

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-ngoi-lang-truyen-thong-duoi-chan-thanh-nha-ho-33760.htm
Zalo