Lê Phương trở lại với triển lãm 'Mật ước 2024'

Triển lãm của họa sĩ Lê Phương không chỉ là một phòng trưng bày tranh, mà còn là một trường tinh thần để khán giả lắng đọng, chiêm nghiệm và cùng chia sẻ những mối 'Mật ước' giữa nghệ thuật, trái tim và tâm linh miên viễn.

Từ ngày 1-7/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) diễn ra triển lãm "Mật ước 2024" của họa sĩ Lê Phương.

Họa sĩ Lê Phương còn được biết đến với bút danh Leo với những tác phẩm minh họa và biếm họa cho báo chí và các nhà xuất bản dưới bút danh Leo từ năm 2001.

 Không gian triển lãm "Mật ước 2024"

Không gian triển lãm "Mật ước 2024"

Trong lĩnh vực hội họa, với phong cách độc đáo và bút họa tinh tế, Lê Phương tạo ra những tác phẩm đầy cảm xúc, kết hợp hài hòa giữa trừu tượng và hiện thực, thu hút giới mộ điệu nghệ thuật.

Trước triển lãm này, họa sĩ Lê Phương đã có nhiều triển lãm nhóm như: Triển lãm nhóm Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại 16 Ngô Quyền năm 2014; triển lãm nhóm Xuân Đinh Dậu tại triển lãm Vân Hồ năm 2017; triển lãm nhóm “5 mới” tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài năm 2021; triển lãm đôi “Mật ức” tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền năm 2023. "Mật ước 2024" là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh.

Tại triển lãm "Mật ước 2024", Lê Phương giới thiệu tới công chúng 19 tác phẩm tiêu biểu của các giai đoạn sáng tác khác nhau trong quãng thời gian anh chuyển xu hướng sáng tác sang trừu tượng.

Bằng những thử nghiệm mới mẻ về kỹ thuật và chất liệu độc đáo, Lê Phương quan niệm việc thực hành hội họa cũng giống như một thực hành tâm linh, để thanh lọc bản thể trở về với cội rễ tâm thức trong trẻo nhất, suy ngẫm về sự bất toàn của thân phận con người trong cõi hiện sinh, tái khám phá những minh triết song hành cùng mỹ học của dân tộc.

Họa sĩ Lê Phương chia sẻ, triển lãm này có một vài chuyện riêng tư chưa từng được kể. Đây không chỉ là một phòng trưng bày tranh, mà còn là một trường tinh thần để khán giả lắng đọng, chiêm nghiệm và cùng chia sẻ những mối “Mật ước” giữa nghệ thuật, trái tim và tâm linh miên viễn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, trừu tượng trong tranh Lê Phương đã nghiêng lệch hẳn về cái ẩn chìm, lặn ngược vào trong, cố tình né tránh cái duyên bong ra ngoài.

“Trừu tượng trong tranh Phương đã đạt đến mỹ học ẩn ước về mọi phương diện - một thứ tranh gây hấn cho cái phần chìm sâu - vốn nằm im lìm trong tiềm thức của người thưởng ngoạn, mà không dễ gì đánh thức. Bắt đầu từ việc Phương đặt tên tranh, đã mênh mang ý nghĩa của đóa hoa vô thường trong nhạc Trịnh Công Sơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định.

 Tác phẩm "Mật ước 6"

Tác phẩm "Mật ước 6"

Còn theo họa sĩ Bàng Sĩ Trực, “Mật ước 2024” hay hành trình trở về giá trị nguyên cội văn hóa của Lê Phương là sự gắn kết sâu sắc giữa ý thức thực tại với thế giới tâm linh - nơi mà ngôn ngữ tạo hình đóng vai trò như là một biểu tượng.

Thái độ nghệ thuật này biểu lộ tính triết mỹ khi tác giả chuyển hóa cảm xúc vào những vật chất tưởng như vô tri, một địa vực của nghệ thuật đương đại. Họa sĩ Lê Phương đã có một trải nghiệm đầy hứng thú, khơi dậy những suy tư cảm nhận về bản chất của nghệ thuật, tôn giáo và đời sống.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-phuong-tro-lai-voi-trien-lam-mat-uoc-2024-post319680.html
Zalo