Phái đẹp nhảy dù mạo hiểm: Phấn khích trong cả giấc mơ

'Tôi nghiện cảm giác nhảy dù, nó làm tôi phấn khích ngay cả trong giấc mơ!' - nữ doanh nhân 8X Trương Hương Thủy (quê thành phố Hà Nội) kể lại cảm xúc sau 5 năm theo đuổi hoạt động thể thao mạo hiểm tung mình nhảy ra từ máy bay để rơi tự do rồi mở dù tiếp đất an toàn.

Hương Thủy tham gia bộ môn nhảy dù (skydiving) lẫn nhảy dù đôi (tandem skydive) với vốn tích lũy 70 lần nhảy ở cả trong lẫn ngoài nước. Hàng năm chị nhảy dù tại cả 4 sân bay quân sự là Chu Lai (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên), Hòa Lạc (Hà Nội) và Biên Hòa (Đồng Nai).

Phấn khích tột cùng

Cuối năm 2024, Hương Thủy sang thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) thực hiện chuyến nhảy dù đôi từ độ cao hơn 4 ngàn 500 mét trên không trung. Thời gian rơi tự do kéo dài “thót tim” từ 45-60 giây. Sau đó cô tiếp tục sang Thái Lan để nhảy dù tương tự như Dubai lần nữa.

“Cảm giác lao đầu ra khỏi máy bay rơi tự do, lộn xoay tròn giữa không trung, có lúc ưỡn ngực dang tay lao vun vút xuống mặt đất như… Superman là trải nghiệm để đời. Cảm giác con người bạn như được giải phóng toàn bộ năng lượng, phấn khích đến tột cùng… Sau khi dù mở lơ lửng giữa không trung, bạn có thể nhìn toàn bộ cảnh đẹp biển trời kỳ vĩ trong tầm mắt. Nó thực sự ấn tượng và mang lại cảm xúc khó quên” - Hương Thủy kể.

Cô còn trải nghiệm cảm giác mạnh, đòi hỏi thể lực và “gan lỳ” khi tham gia hành trình City Climb - tức leo phía bên ngoài tòa nhà chọc trời 101 tầng ở New York (Mỹ) rồi đặt chân lên bệ ngoài trời cao nhất thế giới và nghiêng người ra ngoài ngắm khung cảnh ngoạn mục từ độ cao hơn 365m.

Trương Hương Thủy sinh năm 1980. Tốt nghiệp cử nhân ngành văn hóa và kinh tế. Hiện đang là giám đốc Công ty dịch vụ khách sạn, du lịch Thủy Mộc Nha Trang (Khánh Hòa). Ngoài đam mê thể thao mạo hiểm, cô còn thích du lịch, nấu ăn.

Lợi ích thể chất lẫn tinh thần

* Vì sao chị chơi nhảy dù?

- Cách đây 5 năm, tôi có thời điểm khó khăn trong công việc do yếu tố khách quan là đại dịch Covid-19. Tôi đến với bộ môn nhảy dù để giảm stress, giúp cân bằng tâm lý. Thế rồi nhảy dù giúp tôi thêm sự dũng cảm đối mặt với các khó khăn, tìm lại phương hướng và động lực vượt qua thử thách.

Ban đầu bố mẹ tôi cũng lo lắng và sợ tôi gặp bất trắc khi theo đuổi thể thao hành động mạo hiểm nhảy dù. Tuy nhiên, cá tính của tôi vốn độc lập và kiên quyết từ nhỏ nên vẫn đi nhảy dù. Khi gia đình thấy tôi vui và hạnh phúc khi được sống với đúng đam mê của mình thì mọi người mới ủng hộ tôi.

* Nhiều bạn bận rộn công việc, chăm sóc gia đình, hoặc thiếu động lực tập thể thao. Chị có giải pháp riêng?

- Chúng ta luôn ý thức sức khỏe là vốn quý nhất và không thể bỏ tiền mua được. Bạn có thể phòng, tránh bệnh tật hữu hiệu bằng cách tập luyện cho cơ thể khỏe mạnh. Ta cần tạo ra môi trường dễ tiếp xúc thể thao ví dụ như bạn chơi với một nhóm bạn thân thích tập luyện thì sẽ có động lực cùng chơi, cùng tập và từ đó điều chỉnh thói quen sinh hoạt.

Thuở nhỏ tôi là người có thể trạng rất ốm yếu. Vậy mà khi lớn lên, tôi khắc phục bằng việc tập luyện thể thao hàng ngày. Tôi thuê cả huấn luyện viên riêng để thúc đẩy mình tập gym đều đặn, khắc phục hạn chế về thể trạng và dần vươn tới những điều đặc biệt hơn như chơi nhảy dù (kéo dài từ tháng 3 tới tháng 8 hàng năm). Những người yêu thích thể thao mạo hiểm thì họ ưa vận động (cười).

“Một đời được sống, tôi muốn được nhìn hết cảnh đẹp ở thế giới này theo cách riêng của tôi” - Hương Thủy nhảy dù tại Dubai (UAE).

Sống đời sôi nổi

* Nhảy dù hẳn phù hợp với quan điểm sống của chị?

- Tử tế - Hào sảng - Đam mê là những điều tôi tâm niệm. Tôi không biết cuộc đời sẽ ra sao, nhưng tôi sẽ cố gắng sống tử tế nhất có thể. Tính tôi thích giao thiệp với nhiều bạn bè, muốn “sống và cháy hết mình” với những đam mê bởi có câu “You only live once” (Bạn chỉ sống một lần trên đời). Nhảy dù là hoạt động thể thao giúp tôi sống cuộc đời sôi nổi như cách tôi mong muốn.

Trung tá Bùi Minh Phong (trái) - thầy dạy nhảy dù của Hương Thủy.

Trung tá Bùi Minh Phong (trái) - thầy dạy nhảy dù của Hương Thủy.

* Mục tiêu của chị trong năm 2025?

- Tôi tiếp tục tham gia đầy đủ các khóa đào tạo nhảy dù trong nước để tăng số chuyến nhảy tích lũy. Ngoài ra tôi lên kế hoạch sang nước ngoài học khóa nhảy dù quốc tế và lấy bằng. Tôi muốn học nâng cao để có thể đi nhảy dù ở các nước trên thế giới, ngắm cảnh nhiều vùng đất theo cách nhìn từ trên cao.

* Xin cảm ơn chị!

Một trong những điều quan trọng là bạn cần có những người thầy đào tạo tốt ngay từ đầu. Hương Thủy kể: “Người thầy đầu tiên của tôi là thầy Đỗ Duy Quý - chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng không phía Nam. Thầy dạy tôi nhảy dù qua các hạng dù cơ bản như D6 hay PTL72. Khi học nâng cao nhảy rơi tự do, tôi may mắn được trung tá Bùi Minh Phong - phụ trách huấn luyện dù Phòng Cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ tham mưu Quân chủng Phòng không - không quân nhận làm “đệ tử” để truyền dạy tất cả các kỹ năng.

Trung tá Minh Phong có 33 năm huấn luyện và giảng dạy bộ môn nhảy dù quân đội. Hương Thủy cho biết cô lĩnh hội được từ thầy Phong điều cốt yếu: “Tất cả những gì liên quan đến an toàn đều phải được đặt lên hàng đầu, phải tuân thủ đúng nguyên tắc khi nhảy dù”. Cô bày tỏ: “Thầy Phong là một người anh, người thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng về sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm với công việc. Tôi may mắn được thầy đánh giá có tố chất rất tốt, phù hợp theo đuổi môn nhảy dù”.

Trung Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202502/phai-dep-nhay-du-mao-hiem-phan-khich-trong-ca-giac-mo-a59552a/
Zalo