Tín hiệu cho thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp
Trị giá và giá trị tác phẩm nghệ thuật vốn là hai câu chuyện khác nhau, nhưng để nâng tầm giá trị, thì cần một thị trường bài bản để tác phẩm đi đúng giá tự thân…
Nỗ lực “chuyển mình”
Sau nhiều hoạt động thăm dò thị trường với các phiên đấu giá mở rộng, một số nhà đấu giá lớn trên thế giới như: Millon (Pháp), Sotheby’s Hong Kong và Christie’s (Anh) đều đã bổ nhiệm giám đốc điều hành cho thị trường Việt Nam; riêng Millon còn chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội với tên gọi Millon Việt Nam. Tuy nhiên, với nhiều nhà sưu tập, điều này còn quá chậm, bởi nhà đấu giá Sotheby’s đã thành lập một chi nhánh dành riêng cho thị trường Indonesia và Thái Lan từ khá lâu.

Khách tham quan tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San
Tín hiệu cho thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn cần nhiều hơn, nhất là các hội chợ triển lãm, tiêu biểu như hội chợ triển lãm mỹ thuật quốc tế VIA (Vietnam International Artfair), lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vào cuối 2024. Hội chợ được tổ chức theo mô hình Hotel Art Fair (hội chợ gắn với địa điểm lưu trú cao cấp) diễn tại khách sạn 5 sao Nikko Saigon, quy tụ gần 800 tác phẩm nghệ thuật quốc tế, đến từ hơn 20 phòng trưng bày trong và ngoài nước.
Mô hình Hotel Art Fair là một định nghĩa còn khá mới tại Việt Nam. Người xem bất ngờ với việc các tác phẩm không còn được treo ngay ngắn trên những bức tường trắng tinh, mà sẽ được bài trí khắp mọi nơi trong phòng khách sạn, có thể là trên giường, hay ngay cả trong tủ quần áo… Mỗi gallery tham gia hội chợ, trưng bày các sáng tác trong một căn phòng riêng biệt, sự sắp đặt thể hiện tiếng nói, góc nhìn và câu chuyện riêng.
Nỗ lực đã có, tuy nhiên thành công thì chưa, khi hội chợ chỉ thu về hơn 1.000 lượt khách tham quan. Nhà sưu tập Phan H.H. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Chúng ta còn thiếu nhiều tham chiếu cho một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Hoạt động hội chợ nghệ thuật là một hoạt động mua bán chuyên nghiệp ở mức cơ bản, nhưng vẫn chưa được nhiều sự quan tâm. Điều này cũng là bình thường, vì rất nhiều thị trường chuyên nghiệp trên thế giới trước khi đạt được quy mô và uy tín như bây giờ, họ cũng trải qua rất nhiều hội chợ, triển lãm không có khách hàng. Điều đáng ghi nhận là chúng ta đã tổ chức được hội chợ, làm bước đệm cho thị trường chuyên nghiệp hoàn thiện dần”.
Thị trường làm bệ phóng
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đồng quan điểm rằng, thị trường mỹ thuật hiện nay vẫn thiếu các thành phần hỗ trợ thứ cấp, đặc biệt là vai trò của nhà môi giới trung gian. Hiện việc bán các tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam chủ yếu theo hình thức trực tiếp giữa nghệ sĩ và người sưu tập với rất nhiều hệ lụy. Trong khi đó, một thị trường kinh doanh mỹ thuật đúng nghĩa đều thông qua trung gian là các nhà đấu giá, hội chợ nghệ thuật, triển lãm thường niên hay gallery.
Những câu hỏi căn bản như: Hệ sinh thái mỹ thuật bao gồm những gì, ai đóng vai trò, định giá tác phẩm ra sao, dựa trên những điều kiện/yếu tố nào, giám tuyển là công việc gì, quy tắc làm việc với giám tuyển, phòng tranh và nhà sưu tập như thế nào…, đều chưa được hình dung rõ ràng.
Theo GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: “Chúng ta vẫn có hoạt động triển lãm, mua bán tác phẩm mỹ thuật, nhưng chưa hẳn là một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp, bài bản. Nó mang tính tự phát nhiều hơn. Trong nước cũng có nhiều nhà đấu giá, nhưng hoạt động không hiệu quả. Vì thiếu nhiều yếu tố căn bản cho một thị trường chuyên nghiệp, nên việc định giá tác phẩm chưa chính xác; có tác giả thì giá nào cũng bán; có tác giả thổi phồng giá rất cao. Chưa có một thị trường chuyên nghiệp, nên giá trị tác phẩm tùy thuộc vào gu thẩm mỹ của khách hàng. Có tác phẩm bán được giá rất cao, nhưng giá trị nghệ thuật thì không cao...”.
Thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp vẫn chưa hình thành cũng là điểm hạn chế của nghệ sĩ Việt khi bước ra bên ngoài. Giám tuyển Ace Lê (Giám đốc thị trường Việt Nam của nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong) chia sẻ: “Hiện tại, một lỗi phổ biến của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam trên nhiều sàn đấu giá quốc tế, chính là định giá quá cao. Nhiều nghệ sĩ chỉ tham chiếu giá của mình với đồng nghiệp cùng lứa trong nước, chứ không hề hay biết, có nhiều nghệ sĩ lý lịch rất mạnh ở Đông Nam Á nhưng giá tranh của họ chỉ ở mức vừa phải. Chính điều này khiến các phòng tranh, sàn đấu giá quốc tế khó khăn khi muốn đại diện cho nghệ sĩ Việt. Bởi một khi đã niêm yết giá cao trong một thời gian dài, trong lĩnh vực này, việc lùi bước giá là chuyện đại kỵ”.
Có thể thấy, để thúc đẩy giá tranh Việt xứng tầm hơn, việc hoàn thiện hạ tầng và thượng tầng kiến trúc cho một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp là điều cần thiết. Qua đó, nghệ sĩ trẻ có được nền tảng căn bản vận hành thị trường, tìm hướng đi phù hợp cho quá trình thực hành sáng tạo, cũng như tự làm chủ và định giá tác phẩm nghệ thuật một cách chuyên nghiệp.