Những quán ăn ngon nổi tiếng một thời ở Biên Hòa
Lý giải cho câu hỏi: Vì sao ở thành phố miền Đông nằm bên bờ sông Đồng Nai hiền hòa lâu nay không chỉ nổi danh với 'bưởi Biên Hòa' mà còn có rất nhiều quán ăn, món ngon, một số nhà nghiên cứu về văn hóa ẩm thực cho rằng: Vào cái thời chưa có đường Đắp mới (nay là Hà Huy Giáp) và xa lộ Biên Hòa (ngày nay là xa lộ Hà Nội) thì thị xã Biên Hòa là cái 'ải' trên quốc lộ 1. Từ Bắc vào Nam, từ miền Đông vào Sài Gòn, hoặc từ miền Tây muốn đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang… bằng đường bộ đều phải ghé qua.

Các đầu bếp thuộc Hội Đầu bếp Đồng Nai chế biến và giới thiệu món xôi chiên phồng tại một hội chợ ẩm thực. Ảnh: N.Liên
Và cư dân Biên Hòa thì: “nước sông trong đổ lộn sông ngoài” với lưu dân ngũ Quảng, quan binh cùng thương nhân người Hoa thuộc nhóm Trần Thượng Xuyên, người miền Bắc di cư…; nên sự pha tạp và chắt lọc tinh hoa tạo nên sự độc đáo trong ẩm thực là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, bên cạnh nhà hàng, còn có tên gọi “tiệm nước” (không chỉ bán cà phê, nước giải khát, mà còn có cả bánh mì, xíu mại, cả hủ tiếu, mì hoành thánh…), tiệm hủ tiếu, tiệm mì. Sau đó là nhà ăn, cửa hàng ăn uống và bây giờ phổ biến là… quán ăn (gồm quán ăn gia đình, quán nhậu…).
Nức tiếng bánh canh Chợ Đồn
Theo sách Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (Nhà xuất bản Đồng Nai, 1998 ) thì: “Trước năm 1945, ở Biên Hòa tiệm ăn hãy còn thưa thớt, có thể kể tiệm Hiệp Lực ở chợ Biên Hòa, bán trên 100 món ăn chay; quán cơm Từ Hải trong chợ Biên Hòa bán cơm bình dân, miễn phí cho người cơ nhỡ; quán cơm bình dân của người Chà ở góc đường Võ Tánh - Lý Thường Kiệt (cũ) có đọc truyện liên hồi, phục vụ khách ăn hoặc ở Chợ Đồn có quán bánh canh đầu cá nấu ngon nổi tiếng khắp vùng”.
“Cuốn từ điển sống” về Chợ Đồn là ông Võ Hồng Châu tức “Ông Ba cột đèn” (có tên như vậy do ông phụ trách Trạm truyền thanh xã Bửu Hòa từ lúc thành lập đến khi ông qua đời) cho biết: “Món bánh canh đầu cá ở Chợ Đồn có từ đầu những năm 1940. Món này do bà Lê Thị Láng là đầu nậu cá đồng tiên khởi chế biến. Với biệt tài nấu nướng, bà lấy phần đầu cá lóc đem hấp cho nở ra to mà không rã để cuốn bánh tráng với đồ chua, rau cải chấm nước mắm tỏi ớt; còn phần đuôi cá bà dẽ ra nấu bánh canh. Ban đầu bà chỉ bán món này vào những hôm có gánh hát về biểu diễn. Rạp hát Chợ Đồn thời đó lợp vách bằng lá dừa nước, chỉ có khoảng 100 chỗ ngồi trên ghế cây. Còn món bánh canh đầu cá của bà Ba Láng thì bày bán trước hiên nhà chỉ có 2 cái bàn thấp để đèn dầu lửa tù mù cùng với chừng một chục cái ghế đẩu. Buổi tối hầu như mọi người chen chúc nhau đến để ăn bánh canh cá lóc với 2 mức giá: tô người lớn 3 cắc, tô nhỏ 2 cắc; còn đầu cá hấp thì từ chiều mấy ông bà bầu, đào kép chánh của gánh hát đã “mão” hết rồi với cái giá từ 15 đến 20 đồng, tùy theo lớn nhỏ.
Món gỏi cá được du nhập từ miền Bắc vào đã làm cho Biên Hòa có thêm món ngon nổi tiếng là gỏi cá Tân Mai, thu hút nhiều thực khách gốc Bắc đến thưởng thức ngay tại làng bè bên dòng sông Đồng Nai…
Món bánh canh đầu cá Chợ Đồn nổi tiếng nhờ dân Biên Hòa, Bình Dương ăn rồi đồn đãi, nhưng danh tiếng vang xa là nhờ mấy gánh hát về Chợ Đồn lưu diễn rồi “quảng cáo” dùm. Khoảng năm 1955 bà Ba Láng mở “Quán bánh canh đầu cá bình dân Chợ Đồn” và là nghiệp chủ đầu tiên ở miệt Tân Vạn - Bửu Hòa - Hóa An mua máy đèn điện thắp sáng để mở quán ăn.
Năm 1968, bà Năm cháo lòng mở quán Hồng Hoa bán món bánh canh đầu cá lóc hấp và nem nướng, bò nướng. Quán Bình dân của bà Ba Láng đổi tên thành Phong Lan. Một loạt quán bánh canh đầu cá ở Chợ Đồn rộ lên; trong đó có quán của bà Tư Cô hồn nổi bật nhờ nước chấm là mắm nêm “đặc chế”.
Hiện nay ở Chợ Đồn (phường Bửu Hòa) chỉ còn quán Hồng Hoa “độc quyền” bán món bánh canh đầu cá hấp danh tiếng một thời này.
Cháo lòng Huỳnh Của và...
Vào thập niên 1950 trong nhà lồng chợ Biên Hòa có 2 sạp cháo lòng của bà Năm Sì Nằng và bà Ba Cụt rất được bạn hàng và người đi chợ ưa thích, nhờ ngon mà giá cả lại bình dân. Nhưng ở dốc Ngô Quyền (thời đó có số nhà là 174 quốc lộ 1, nay là đường 30-4) có quán cháo lòng Huỳnh Của nổi tiếng, không chỉ ở Biên Hòa mà tiếng đồn còn vang xa đến tận Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Ngoài món cháo lòng trứ danh, Huỳnh Của còn có các món: bánh cuốn nhân đậu xanh tôm thịt nướng, bún thịt nướng, bì cuốn… do mẹ của chủ quán Huỳnh Của là bà Bảy Đắc tự đứng bếp. Thời đó tất cả xe đò chạy tuyến Bắc - Nam và xe be chạy ngang qua đều ghé cháo lòng Huỳnh Của. Lâu dần người ta gọi dốc Ngô Quyền thành dốc Huỳnh Của. Và với hàng chục xe be đi thành đoàn tụ tập vào quán này ăn nhậu, bà con ở mấy xóm gần đó tự động phát triển thêm nghề cạy vỏ cây bằng xà ben để bán làm củi, kiếm tiền.
Cũng trên đoạn quốc lộ này xích xuống một chút có quán Thâm Giao nổi tiếng với các món thịt rừng do ông Mười chủ quán đứng bếp. Từ quán Thâm Giao đi lên Vườn Mít có quán cà ri dê của ông Tư Dữ ngon… vô đối. Ông chủ quán cà ri dê nổi tiếng này được “chân truyền” bởi bà Lý Thị Lang - vợ ông Sequesmay - người Ấn chính gốc.
Ngay ngã năm Biên Hùng có quán hủ tiếu cây Trứng cá nấu kiểu Triều Châu do bà Lương Xuyến bán rất được ưa chuộng. Năm 1969 hủ tiếu Minh Phước ra đời, cạnh tranh dữ dội, cây Trứng cá lép vế. Sau năm 1975, em bà Xuyến là ông Lương Dẩu có mở quán chi nhánh cây Trứng cá trong đường vào ga xe lửa Biên Hòa.
Còn rất nhiều những món ngon và quán ngon của Biên Hòa vào cái thời chưa xa lắm...
Ngạc nhiên với món xôi chiên phồng
Bà Ngọc Tâm Nguyễn Phước Huyền Tôn Nữ Thị Sâm, Việt kiều Mỹ, từng viết: “…Trước năm 1970, tôi làm việc cho một dược phòng của Pháp tại Sài Gòn. Khi nào xong cuộc họp hàng tháng, được dịp thì bạn bè rủ cùng nhau đi ăn uống. Có một người bạn đề nghị đi Biên Hòa thăm một người thân và hứa là sẽ dẫn chúng tôi đi thưởng thức một món ăn rất đặc biệt. Thế là chúng tôi đi Biên Hòa, một thành phố mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Chúng tôi đến một nhà hàng nằm sát bờ sông Đồng Nai rất thơ mộng… Người bạn tôi kêu gọi món ăn và khi được mang ra, thì tất cả chúng tôi đều trố mắt nhìn. Một quả gì giống như trái banh, tròn trịa, vàng lượm, còn đang bốc khói nằm trên một cái dĩa trông thật lạ lùng. Sau đó mới được giải thích, đó là món xôi chiên phồng, rất hấp dẫn ăn chung với gà đút lò hoặc gà hấp rau răm và cũng là món ăn đặc biệt của nhà hàng Tuyết Hồng này… Bẵng đi thời gian 2 năm sau, do định mệnh hay duyên kiếp, tôi lại lập gia đình với… người con thứ 3 của chủ nhà hàng Tuyết Hồng. Mẹ chồng tôi là cô Tư Thạnh (Huỳnh Thị Thạnh).
Không biết nhà hàng Tuyết Hồng ra đời vào năm nào, nhưng cách đó khoảng hơn chục mét, cũng trên đường Hàm Nghi (nay là đường Cách mạng tháng Tám), Tân Hiệp quán của bà Huỳnh Thị Sớm khai trương năm 1954 chuyên phục vụ các món: gà quay - xôi chiên, tôm nướng - bánh hỏi, cua rang me, cua hấp muối… rất nổi tiếng. Trong đó món xôi chiên thường do chính tay cô con gái út của bà chủ Tân Hiệp quán là Đinh Thị Ha thực hiện. Khoảng đầu năm 1957, trong một lần đang chiên xôi, cô Út Ha trò chuyện cùng chị Ba phụ bếp nên ấn mạnh vá vào miếng xôi làm nó phồng to lên. Ngạc nhiên, Út Ha thử đẩy mạnh thêm nữa thì thấy nó càng phồng nhiều hơn. Hai chị em thấy thú vị quá nên tiếp tục thử thêm bằng cách vừa chiên vừa ép. Từ đó món xôi chiên trở thành xôi chiên phồng danh tiếng cho xứ Biên Hòa...