Chuyện những người sống dưới chân núi ở Hà Nam, hàng chục năm không thể về nhà
Bệnh viện Phong Hà Nam, thường được gọi là trại phong Ba Sao (thị xã Kim Bảng, Hà Nam) là nơi những người mắc bệnh phong sống lặng lẽ gần như cả cuộc đời.
Trại phong Ba Sao nằm giữa vùng đồi núi vắng vẻ, là nơi có những người đã và đang sống lặng lẽ gần như cả cuộc đời. Họ đến đây từ khi còn trẻ, mang trong mình căn bệnh bị kỳ thị và rồi gắn chặt cuộc đời với nơi này, chưa từng trở về quê nhà.

Di chứng để lại trên cơ thể những người mắc bệnh phong không chỉ là đôi chân, đôi tay không còn lành lặn, mà còn là nỗi ám ảnh vì bị kỳ thị
Ông Đặng Văn Tần (SN 1935, quê Nam Định) phát hiện mình mắc bệnh phong năm 19 tuổi. Gia đình ông giấu biệt chuyện này vì sợ hàng xóm xa lánh.
Khẽ xoa bàn tay đã bị bệnh phong “ăn cụt”, ông Tần chậm rãi kể về quãng đời dài đằng đẵng sống trong sự kỳ thị của mình: “Ngày đó những người mắc bệnh phong bị xa lánh, kỳ thị ghê lắm. Họ gọi những người mắc bệnh này là 'hủi'.

Suốt 70 năm qua, ông Tần mới trở về quê 1 vài lần.
Sợ ảnh hưởng đến gia đình, tôi lặng lẽ rời quê, đi biệt tích rồi đến khi trại phong Ba Sao thành lập, tôi được đưa về điều trị và sống ở đây đến tận bây giờ”.
70 năm qua, ông đã quen với cuộc sống lặng lẽ, không có người thân bên cạnh, không tin tức từ quê nhà. Suốt ngần ấy thời gian, ông chỉ trở về quê 1 vài lần.
Trại phong Ba Sao là nơi nhiều bệnh nhân như ông Tần gắn bó cả đời. Đối với họ, đây chính là nhà, là mái ấm.

Đa phần những bệnh nhân ở trại phong Ba Sao đều là người cao tuổi
Bà Đinh Thị Xuân (SN 1934, quê Hà Nam) phát bệnh từ khi 20 tuổi. Khác với nhiều người, bà có chồng con. Khi bệnh trở nặng, bà phải vào trại phong điều trị. Bà không nhớ rõ mình vào đây từ năm nào.
Hồi anh chị em ruột còn sống, thỉnh thoảng bà vẫn về thăm quê. Con gái bà giờ sống ở Thái Nguyên, nhưng bà sức yếu chẳng đi xa được nữa. Phần vì đã quen sống ở trại phong, phần vì sống quá lâu trong sự kỳ thị khiến bà tự ti, sợ ảnh hưởng đến con cháu.
Hay như ông Bùi Văn Sơn (77 tuổi, quê Nam Định) sống gần như cả đời trong khu gia đình của bệnh nhân phong (còn được gọi là “làng phong”, thuộc trại phong Ba Sao), nằm biệt lập dưới chân núi, cách khu điều trị nội trú khoảng vài cây số.


Ông Sơn đã trải qua những ngày tháng đau đớn, tủi hổ khi bệnh tật dày vò
Ông Sơn phát bệnh từ khi mới 4-5 tuổi. Hồi đó, cứ nắng lên là má ông đỏ bừng, nhưng không ai nghĩ đó là bệnh.
Đến năm 18 tuổi, khi tham gia đắp mương cùng đoàn thanh niên, ông chợt nhận ra chân mình mất cảm giác đau. Cấu không đau, dí lửa vào cũng không biết nóng. Một người đàn ông trong đoàn nhìn ông rồi bảo: “Hủi rồi”.
Từ đó, ông bị những người xung quanh xa lánh. Họ xì xào sau lưng, có người thấy ông là quay đầu đi lối khác khiến ông phải sống lầm lũi, khép mình. Ngày ngày, ông chăn trâu, cắt cỏ tận khuya mới dám trở về nhà.
Bệnh trở nặng, ông vào trại phong Ba Sao, đến khi khỏi bệnh, ông phiêu dạt vào Nghệ An làm ăn. Bệnh tái phát, ông quay lại trại phong.
Lần này, ông biết con đường trở về không còn dành cho mình nữa. Trước đây, mỗi năm vào dịp Tết, ông lại “trốn” về thăm bố mẹ 1 lần vào lúc nửa đêm. Nhiều năm nay, bố mẹ không còn nên ông cũng chẳng còn nơi chốn để trở về.
Chút lạc quan tuổi xế chiều
Những bệnh nhân phong khi xưa giờ đều đã sạch trùng nhưng vẫn mang trên mình những di chứng nặng nề. Họ vẫn lạc quan về cuộc sống. Có người khi sức khỏe dần ổn định đã chọn ở lại, làm nhân viên phục vụ, chăm sóc những bệnh nhân mới.
Cũng không ít cặp đôi gặp nhau trong những ngày tháng cùng chống chọi với bệnh tật rồi nên duyên, nương tựa nhau mà sống. Họ sống tại “làng phong”, bắt tay vào lao động và tạo dựng cuộc sống mới.
Ở “làng phong”, ông Sơn là một trong những người lạc quan nhất. Dù vợ mất cách đây 7 năm, ông vẫn kiên cường sống một mình, không để nỗi buồn gặm nhấm.
Ông bảo, cuộc đời ngắn ngủi, buồn cũng chẳng ích gì. Dù bệnh tật đã lấy đi một chân, đôi bàn tay cũng bị co quắp nhưng ông Sơn vẫn ngày ngày trồng cây trong vườn, tự tìm niềm vui. Nhiều lần, ông bật đài suốt đêm để vơi bớt nỗi trống trải và để cảm thấy mình vẫn đang kết nối với thế giới.

Ông Sơn sống lạc quan dù di chứng bệnh tật để lại trên cơ thể ông rất nặng nề
Bệnh phong từng là nỗi ám ảnh khiến cả xã hội xa lánh nhưng giờ đây, những bệnh nhân mắc căn bệnh này đã không còn phải sống trong sự kỳ thị như trước nữa.
Nhiều năm trở lại đây, các đoàn từ thiện ở khắp nơi tìm đến, mang theo quà bánh, chăn ấm và những lời hỏi han, động viên khiến những bệnh nhân phong cảm nhận được hơi ấm tình người.
Điều làm cho người mắc căn bệnh này cảm thấy hạnh phúc nhất là họ đã được bình đẳng trong mắt mọi người, không ai nhắc đến từ “hủi“ nữa. Con cháu của bệnh nhân phong cũng dần trưởng thành, có người đã chọn ở lại làm tại bệnh viện, tiếp tục gắn bó với nơi này.
Trại phong Ba Sao có thể vẫn là nơi lặng lẽ nhưng những con người ở đây chưa bao giờ để mình lụi tàn.