OPEC+: Nhiều thị trường đang 'khát' dầu?
Việc OPEC+ tăng sản lượng không khiến lượng dầu tồn kho tăng lên, điều đó cho thấy thị trường đang 'khát' dầu, các bộ trưởng từ các quốc gia OPEC cùng lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí phương Tây cho biết.

OPEC+ phê duyệt mức tăng 548.000 thùng/ngày cho tháng 8/2025. Hình minh họa
OPEC+, tổ chức chiếm khoảng một nửa sản lượng khai thác dầu toàn cầu, đã nỗ lực cắt giảm sản lượng trong nhiều năm qua nhằm hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, năm nay, nhóm đã quyết định đảo ngược chính sách, tăng sản lượng để giành lại thị phần và đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi yêu cầu OPEC+ bơm thêm dầu để kiểm soát giá xăng.
OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, đã bắt đầu nới lỏng mức cắt giảm sản lượng 2,17 triệu thùng/ngày vào tháng 4, với đợt tăng ban đầu là 138.000 thùng/ngày. Các đợt tăng tiếp theo là 411.000 thùng/ngày vào các tháng 5, 6 và 7.
Nhóm mới phê duyệt mức tăng 548.000 thùng/ngày cho tháng 8. Và theo các nguồn tin của Reuters, dự kiến sẽ thông qua một đợt tăng sản lượng lớn cho tháng 9 tại cuộc họp vào tháng 8 tới.
“Bạn có thể thấy, dù đã tăng sản lượng liên tục trong vài tháng, trữ lượng tồn kho vẫn chưa có dấu hiệu đi lên. Điều đó có nghĩa thị trường thực sự cần những thùng dầu này”, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Suhail al-Mazrouei, phát biểu trước truyền thông.
Ông Mazrouei phát biểu bên lề hội thảo OPEC tổ chức hai năm một lần, nơi quy tụ các Bộ trưởng dầu mỏ và Giám đốc điều hành hàng đầu trong ngành.
Theo những người tham dự hội thảo, ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc doanh Ả Rập Xê-út Aramco (mã cổ phiếu: 2222.SE), cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 1,2-1,3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, bất chấp những thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ và căng thẳng thương mại.
Ông Nasser cho biết, nhu cầu xăng tại Mỹ và tốc độ tăng trưởng ngành hóa dầu Trung Quốc là hai động lực chính thúc đẩy tiêu thụ dầu toàn cầu.
Ông Shaikh Nawaf Al-Sabah, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait (Kuwait Petroleum Corporation), cho biết các khách hàng từ Trung Quốc và Nhật Bản đang yêu cầu mua thêm dầu, cho thấy nhu cầu trên thị trường tiếp tục tăng mạnh.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng, OPEC quyết định tăng sản lượng một phần vì muốn giành lại thị phần từ các đối thủ như Mỹ.
Giám đốc điều hành BP, ông Murray Auchincloss, nhận định rằng sản lượng dầu từ các nước ngoài OPEC có thể sẽ chững lại vào năm tới, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong vài tháng gần đây.
Cũng theo ông Auchincloss, thị trường dầu vật lý hiện đang rất eo hẹp và Trung Quốc đang gia tăng tích trữ dầu thô.
Giám đốc điều hành Shell (SHEL.L), Wael Sawan, cho biết ông lo ngại về tốc độ suy giảm trữ lượng tại các mỏ dầu, với tỷ lệ khoảng 4-5% mỗi năm, đồng nghĩa với việc cần thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực khai thác.
Patrick Pouyanné, Giám đốc điều hành của TotalEnergies (TTEF.PA), thì cho rằng thị trường hiện đang được cung ứng khá đầy đủ, mặc dù nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đã giảm một nửa trong những năm gần đây.
Với kế hoạch tăng sản lượng, OPEC+ có thể sẽ hoàn tất kế hoạch khôi phục 2,17 triệu thùng/ngày từ các đợt cắt giảm tự nguyện vào tháng 9. OPEC+ cũng cho phép UAE tăng sản lượng lên 300.000 thùng/ngày.
OPEC+ vẫn đang duy trì các mức cắt giảm riêng là 3,65 triệu thùng/ngày, bao gồm 1,65 triệu thùng/ngày cắt giảm tự nguyện của tám quốc gia thành viên và 2 triệu thùng/ngày cho toàn bộ các thành viên. Các mức cắt giảm này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2026.