Nhiều địa phương tiếp tục có cơ hội phát triển khu công nghiệp

Sau sáp nhập, các khu vực Hải Phòng - Hải Dương, Bắc Ninh - Bắc Giang đều sở hữu nhiều tiềm năng phát triển khu công nghiệp. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt tiêu chuẩn về quy mô và dân số để trở thành một siêu đô thị, được kỳ vọng sẽ hình thành nên một trung tâm khu công nghiệp mới đặt tại Bình Dương cũ…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của Chứng khoán MBS cho biết theo đề án hợp nhất hai địa phương Hải Phòng – Hải Dương, sau khi sáp nhập, hàng loạt tuyến đường kết nối trung tâm thành phố sẽ được triển khai xây dựng. Đáng chú ý là tuyến hành lang giao thông kết nối các khu vực thuộc tỉnh Hải Dương trước đây với khu vực phía tây Thành phố Hải Phòng, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Ngoài ra, còn tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, từ cửa khẩu Lào Cai qua Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương đến ga cảng Lạch Huyện… cũng sẽ góp phần thuận tiện cho việc đi lại của người dân và đáp ứng nhu cầu vận tải của doanh nghiệp.

“Việc sáp nhập hai địa phương mang lại nhiều lợi thế hơn cho tỉnh Hải Dương cũ, nơi có tiềm năng về quỹ đất phát triển khu công nghiệp mới, khoảng 3.000ha và giá thuê thấp hơn so với Hải Phòng”, MBS phân tích.

Cũng theo đơn vị này, tại khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang, việc trung tâm hành chính mới được đặt ở tỉnh Bắc Giang cũ được kỳ vọng sẽ khiến giá thuê đất khu công nghiệp tăng mạnh, nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, với lợi thế quỹ đất dành cho khu công nghiệp mới còn rất lớn, khoảng 3.800ha, nên nhu cầu thuê đất khu công nghiệp nhiều khả năng sẽ dịch chuyển từ Bắc Ninh sang Bắc Giang trong thời gian tới.

Trong khi đó, ở phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh mới sau hợp nhất đã đạt tiêu chuẩn về quy mô và dân số để trở thành một siêu đô thị, được kỳ vọng sẽ hình thành nên một trung tâm khu công nghiệp mới đặt tại Bình Dương cũ. Với nền tảng hạ tầng công nghiệp sẵn có, trung tâm khu công nghiệp mới đóng vai trò lớn trong việc mở rộng không gian khu công nghiệp kết hợp đô thị và dịch vụ.

Các dự án hạ tầng trọng điểm như tuyến metro số 1 nối dài kết nối Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến đường kết nối với QL13…. đang được đẩy nhanh tiến độ, tạo thành trục giao thông hướng tới trung tâm thành phố mới, thúc đẩy giao thương và di chuyển của người dân.

Tuy nhiên, theo MBS, trong ngắn hạn, trước những bất định liên quan đến chính sách thuế quan toàn cầu, các doanh nghiệp FDI có xu hướng “quan sát và chờ đợi”, dòng vốn đầu tư sản xuất trong nước và nước ngoài có thể chững lại, nhiều doanh nghiệp sẽ trì hoãn kế hoạch xây mới hoặc mở rộng sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu thuê đất trong năm 2025.

Song về trung hạn, khi những chính sách thuế quan dần ổn định và doanh nghiệp xác định được kế hoạch đầu tư dài hơi, dòng vốn đầu tư phục hồi. Dù vậy, hiện còn quá sớm để đánh giá chính xác mức độ dịch chuyển của dòng vốn FDI sản xuất vào Việt Nam trong những năm tới, do điều này không chỉ phụ thuộc vào kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà còn liên quan đến chính sách thuế giữa Mỹ và các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.

Anh Khoa

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-dia-phuong-tiep-tuc-co-co-hoi-phat-trien-khu-cong-nghiep.htm
Zalo