Chặn hàng hóa mượn danh Việt Nam để xuất khẩu
Nhằm khắc phục tình trạng mượn danh Việt Nam để chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, Bộ Công thương đang xây dựng quy định mới về xuất xứ hàng hóa.

Cơ quan hải quan rất tích cực trong việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Hoàn thiện hệ thống pháp lý
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, cập nhật nhiều khái niệm, tiêu chí mới. Lần đầu tiên, các thuật ngữ như “hàng hóa không thay đổi xuất xứ”, “chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa giáp lưng”, “vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau”… được quy định rõ.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, với hàng loạt điểm mới và biện pháp siết chặt quản lý, Dự thảo Nghị định khi được ban hành chính thức, kỳ vọng sẽ tăng cường tính minh bạch và nhất quán trong việc xác định xuất xứ hàng hóa, giúp Việt Nam tránh nguy cơ bị áp thuế phòng vệ và điều tra gian lận từ các nước nhập khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến cáo, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng cường quản lý chặt chẽ về xuất xứ nguyên liệu trong sản xuất hàng xuất khẩu, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA, nhằm tránh những tác động không tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam.
Việc xây dựng và ban hành nghị định quy định tiêu chí hàng hóa có xuất xứ Việt Nam không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ.
Đại diện Cục Hải quan (Bộ Tài chính) phân tích, việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam có thể khiến lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến, trong khi sản lượng thực sự không tăng. Điều này làm gia tăng nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, làm giảm uy tín trên thị trường quốc tế và ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu.
Trên thực tế, hiện tượng chuyển tải không phải là mới. Từ năm 2000 đến nay, nhiều sản phẩm mượn danh Việt Nam để xuất khẩu sang EU đã bị phát hiện thông qua các cuộc điều tra chống bán phá giá như: xe đạp (năm 2000), kẽm ô xít (năm 2003), bật lửa (năm 2004), giày mũ da (năm 2008)...
Cơ quan hải quan cũng phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng có nguồn gốc sản xuất ở nước ngoài, nhưng khi nhập khẩu vào Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… trên sản phẩm, bao bì, phiếu bảo hành, hoặc thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ doanh nghiệp, website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam, nhằm tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Bảo vệ uy tín hàng Việt
Quy mô ngoại thương của Việt Nam đạt xấp xỉ 800 tỷ USD trong năm 2024 và được dự báo sớm chạm mốc 1.000 tỷ USD. Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, song đi kèm là những rủi ro về xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Theo số liệu của Bộ Công thương, đến hết tháng 6/2025, đã có 291 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra hàng xuất khẩu của Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng có lợi thế như sắt thép, nhôm, thủy sản, gỗ, sợi... Trong đó, Mỹ là thị trường điều tra nhiều nhất, với 76 vụ, chiếm 26%.
Trước bối cảnh biến động thuế quan và gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại, đây là thời điểm Việt Nam cần mạnh tay hơn với tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, tránh để bị lợi dụng làm điểm trung chuyển nhằm né thuế.
Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh mới, hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động.
Cục Xuất nhập khẩu được giao tham mưu Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành văn bản đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu tăng cường quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và xuất xứ theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu. Cục cũng là đầu mối phối hợp với Cục Hải quan để đánh giá, giám sát, kiểm tra xuất xứ hàng hóa, đặc biệt với nguyên liệu nhập khẩu dùng cho sản xuất - xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, tổ chức thực hiện kiểm tra và xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.
Tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Mỹ, tổ chức trong tuần qua, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo, xuất xứ hàng hóa luôn được phía Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng công tác thống kê, lưu trữ hồ sơ để sẵn sàng cung cấp khi nhà chức trách yêu cầu làm rõ.
Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin cũng cho rằng, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Mỹ, có xu hướng siết chặt thuế quan, doanh nghiệp cần gấp rút xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ để chứng minh hàng hóa không phải trung chuyển.
Theo các chuyên gia thương mại, thuế quan là điều không quốc gia nào mong muốn, nhưng đang trở thành thực tế buộc phải thích nghi. Đây là lúc Việt Nam cần mạnh tay hơn nữa để xử lý gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, từ đó bảo vệ uy tín của hàng Việt trước các “đòn” phòng vệ thương mại.
Trong nỗ lực này, ngành hải quan đã tổ chức tập huấn kiểm tra, giám sát và kiểm soát chống chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh... Hải quan cũng sẽ kiểm tra thực tế dây chuyền sản xuất, lượng nguyên vật liệu đầu vào, sản lượng đầu ra, máy móc, nhân công, mức tiêu hao điện - nước, kho bãi… của doanh nghiệp.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần đẩy nhanh đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung vào một thị trường, hạn chế nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại do tăng trưởng đột biến.