Tiên phong thực hiện 'chính quyền không giấy': Đồng thuận thực hiện
Phong trào thi đua 30 ngày đêm thực hiện “Ngày không in giấy”, “Tuần làm việc không văn bản giấy” đang tạo ra “cú hích” cho hệ thống cơ quan hành chính toàn tỉnh.
Văn bản, hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng
Theo ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Giám đốc Sở Tư pháp, lâu nay, việc trao đổi văn bản, công việc chuyên môn ở sở đã được lãnh đạo quán triệt thực hiện trên môi trường điện tử. Hồ sơ thủ tục hành chính bản giấy sau khi tiếp nhận cũng được số hóa và giải quyết trên hệ thống phần mềm chuyên ngành. Ngay sau khi UBND tỉnh phát động phong trào thi đua, ngày 16-7, sở đã ban hành kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của từng công chức, viên chức; đổi mới phương thức quản lý và làm việc. Trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc phải xác định cụ thể những nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện hiệu quả phong trào thi đua và quán triệt đến công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý; phấn đấu 100% văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, ký số và ban hành hoàn toàn trực tuyến (trừ các văn bản mật và hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước). Sau ngày 15-8, sở sẽ có đánh giá kết quả và hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp.

Người dân xuất trình giấy tờ được tích hợp trên VNeID để làm thủ tục hành chính tại phường Nam Nha Trang.
Sáng đầu tuần, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Nam Nha Trang, lượng người đến giao dịch khá đông, không khí làm việc rất khẩn trương. Đoàn viên, thanh niên, công chức trẻ nhiệt tình hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID, quét mã QR tra cứu thông tin, bấm số thứ tự. Công chức scan tài liệu để xử lý trên hệ thống và đưa phiếu hẹn có in mã QR để người dân kiểm tra tiến độ giải quyết. Ông Bùi Tiến Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường cho biết: “Trước khi tiếp nhận hồ sơ, công chức của trung tâm kiểm tra dữ liệu điện tử, đối chiếu thành phần hồ sơ, nếu đã có dữ liệu điện tử bảo đảm giá trị pháp lý sẽ khai thác, sử dụng lại, công dân không cần nộp bản giấy. Phường cũng phân công lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn người dân bấm số tự động, số hóa tài liệu và nộp hồ sơ trực tuyến”. Bà Phan Thị Kim Ngọc (người dân phường Nam Nha Trang) cho biết: “Tôi đến làm thủ tục điều chỉnh hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho mẹ đẻ. Công chức hướng dẫn mở ứng dụng VNeID để xuất trình giấy tờ tùy thân, rồi thao tác khoảng 5 phút là xuất phiếu hẹn. Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả rõ rệt".
Phong trào thi đua được xã Ninh Phước triển khai tích cực. Cán bộ xã trao đổi công việc qua văn bản điện tử. Ông Quảng Thúc Đoan - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Qua 1 tuần thực hiện, việc sử dụng văn bản giấy được hạn chế. Cán bộ, công chức thường xuyên trao đổi công việc chuyên môn bằng văn bản điện tử. Phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công việc, giúp tiết kiệm giấy tờ in ấn; lưu trữ lâu dài; tìm kiếm tài liệu dễ dàng. Việc xử lý văn bản trên môi trường điện tử giúp nâng cao hiệu quả công việc”. Ông Trần Anh Tuấn - chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nha Trang, phụ trách công tác đoàn cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh sử dụng tài liệu điện tử; chi đoàn tích cực sinh hoạt trên nền tảng số. Đoàn viên nỗ lực hỗ trợ người lớn tuổi làm quen với dịch vụ công trực tuyến”.
Tín hiệu tích cực
Dù mới khởi động, phong trào đã cho thấy lợi ích bước đầu: Giảm giấy tờ, tiết kiệm thời gian, tăng tính minh bạch. Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, hiện nay, lãnh đạo UBND tỉnh đi đầu trong việc phê duyệt, ký số hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Cán bộ, công chức, viên chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đều xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử. Các bước giao dịch, xử lý công việc chuyên môn cũng được điện tử hóa. Trung tâm chỉ xử lý bằng tài liệu giấy đối với những thủ tục theo quy định còn sử dụng bản giấy (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài liệu bản đồ, quy hoạch…). Từ ngày 15 đến 19-7, toàn tỉnh tiếp nhận 4.151 hồ sơ trực tuyến, tăng đáng kể so với tuần trước.
Tuy nhiên, việc triển khai "chính quyền không giấy" còn những khó khăn nhất định. Ông Quảng Thúc Đoan chia sẻ: “Thói quen sử dụng văn bản giấy chưa thể bỏ ngay lập tức, nhất là với công chức mới chuyển công tác từ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi còn hạn chế về trang thiết bị hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin, ít có điều kiện thao tác, sử dụng thành thạo phần mềm. Để phong trào lan tỏa rộng khắp, đề nghị tỉnh tăng cường tổ chức tập huấn về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã”. Ông Trần Anh Tuấn đề xuất, song song với đẩy mạnh thực hiện “không giấy tờ” trong nội bộ cơ quan, tổ chức, cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng, trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt.
Những thay đổi bước đầu nêu trên là tín hiệu tích cực cho hành trình chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước, tạo động lực mạnh mẽ để toàn tỉnh đồng lòng hướng tới xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, minh bạch.