Ô nhiễm không khí nguy hiểm với con người thế nào?
Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam 2023 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cho biết, ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về nguy cơ tử vong và bệnh tật tại Việt Nam. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi.
Trẻ em, người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương
Dẫn Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (IHME), Bộ Tài nguyên môi trường nhấn mạnh: Trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người già, người có thể trạng yếu, người đang mang bệnh là những đối tượng có nguy cơ cao bị suy giảm sức khỏe bởi ô nhiễm không khí. Mức độ ảnh hưởng đối với từng đối tượng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian phơi nhiễm.
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, khi tình trạng ô nhiễm không khí lên mức cao, con người có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe nếu không có các biện pháp phòng ngừa. Cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm là mắt.
Người bệnh dễ mắc các bệnh về mắt do bụi như viêm kết mạc, tổn thương giác mạc gây ảnh hưởng thị lực. Cùng với đó, tình trạng viêm đường hô hấp, bao gồm viêm xoang liên tục tái đi tái lại, viêm họng, khó thở, viêm phế quản phổi rất dễ gặp và trở nặng. Đặc biệt, người sức đề kháng kém, dễ bị ốm cảm, như người già, phụ nữ có thai, trẻ em và người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch cần cẩn trọng.
"Với chất lượng ô nhiễm không khí ở mức cao, chỉ cần một buổi sáng ngoài đường hít thở có thể gây tác hại tương đương hút 2 bao thuốc lá", bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.
Báo cáo về tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019 do các trường Đại học Quốc gia Hà Nội công bố năm 2021 cho thấy Hà Nội có gần 2.900 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân và chiếm 12% số ca tử vong trên 25 tuổi ở Thủ đô.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho rằng, nhiều người thường lầm tưởng ô nhiễm không khí chủ yếu ảnh hưởng đến phổi và hệ hô hấp. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, không khí ô nhiễm có thể gây tổn hại cho hầu hết nội tạng trong cơ thể người.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, người dân tại khu vực làng nghề thường gặp các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da cao hơn người dân ở các làng thuần nông. Một số làng nghề có đặc thù sản xuất dẫn tới các bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, nhiễm độc kim loại nặng, đặc biệt là các làng nghề tái chế nhựa, chì, kim loại, thuộc da...
Riêng đối với phụ nữ, ảnh hưởng tới sức khỏe càng rõ rệt như gây rối loạn phụ khoa, đau lưng, đau thần kinh... Đối với trẻ em, tỷ lệ viêm đường hô hấp rất cao, 80-90% tại các làng nghề tái chế chất thải.
Nguy cơ ô nhiễm không khí ngay trong nhà
Cũng theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, ngoài ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí trong nhà do khí thải từ các hộ gia đình cũng gây nguy cơ đến sức khỏe con người rất lớn, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Cụ thể, tại đây nhiên liệu sinh khối và than đá được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm là chủ yếu. Việc đốt nhiên liệu rắn trong nhà được xem là nguồn chính gây ra tình trạng ô nhiễm bụi mịn và thường được đánh giá bởi thông số bụi PM2,5. Giá trị thông số bụi PM2,5 càng cao thì tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng. Khói sinh khối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nghiên cứu 87 trẻ em dưới 5 tuổi sống tại 80 hộ gia đình tại huyện Cần Giuộc (Long An) nhằm khảo sát triệu chứng hô hấp của trẻ khi tiếp xúc nhiên liệu sinh khối cho thấy các triệu chứng thường gặp là ho (77%), khò khè (51%) và khạc đờm (41,9%). Triệu chứng ở trẻ xuất hiện tại nơi nấu nướng với tỷ lệ lần lượt là đau mắt chiếm 35%, chảy mũi chiếm 36%, và ho chiếm 36%.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng gây thiệt hại tới cây trồng và kinh tế, đặc biệt khí thải từ các lò sản xuất gạch ngay tại khu canh tác đã gây ra những tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cây trồng.
Bên cạnh đó, khi ô nhiễm môi trường nông thôn trở thành vấn đề nhức nhối, sẽ phát sinh những xung đột giữa nhóm gây ô nhiễm và cộng đồng chịu ảnh hưởng ô nhiễm tại khu vực. Xung đột, tranh chấp môi trường thường tập trung ở việc đòi bồi thường thiệt hại do làm phát sinh các chất thải, khí thải độc hại… gây ô nhiễm môi trường không khí (khói, bụi, tiếng ồn…), làm nhiễm bẩn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu cho cây trồng của các hộ xung quanh, gây ra xung đột dẫn đến khiếu kiện.
"Những năm gần đây, các xung đột liên quan đến ô nhiễm môi trường tại các bãi rác xuất hiện ở nhiều địa phương; điển hình như vụ việc người dân xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) ngăn cản xe chở rác di chuyển vào bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn bởi những bức xúc liên quan đến ô nhiễm môi trường", Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam dẫn chứng.
Hôm nay, Hà Nội ra khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất
Sáng 10/1, theo kết quả quan trắc IQAir, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội đã cải thiện rất nhiều. Với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 88, Hà Nội đã ra khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đứng thứ 34 trong danh sách, với chất lượng không khí ở mức màu vàng, mức “trung bình”.
So với ngày 9/1, mức độ ô nhiễm ở Hà Nội ngày 9/1 đã giảm từ mức màu đỏ "không lành mạnh" xuống mức màu vàng "trung bình".