Vấn đề bình đẳng giới trong chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị
Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035.
Theo Bộ GTVT, các thành phố lớn trên thế giới đều ưu tiên phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT), coi đây là giải pháp căn cơ để giải bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông đô thị.
Tại Việt Nam, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã lập điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch thành phố và đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2035 đưa vào khai thác 17 tuyến, đoạn tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 752km, đảm nhận 35-50% thị phần vận tải hành khách công cộng; đến năm 2045 đưa vào khai thác thêm 7 tuyến, 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài thêm khoảng 355km, đảm nhận 50-60% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Theo Bộ GTVT, tại văn bản số 12766-CV/VPTW ngày 27/12/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã kết luận để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó, thực hiện Luật Bình đẳng giới và các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035 (Nghị quyết).
Bộ GTVT nhận định, ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng Nghị quyết đến khi lấy ý kiến đối với Nghị quyết, cơ quan soạn thảo đã thực hiện việc đánh giá tác động về giới của các chính sách nêu trong đề nghị xây dựng Nghị quyết và trong dự thảo Nghị quyết. Kết quả rà soát và đánh giá cho thấy các quy định tại dự thảo không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do quy định chung đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động đường sắt, áp dụng chung, không mang tính phân biệt riêng cho một chủ thể.
Trong quá trình triển khai xây dựng Nghị quyết, cơ quan soạn thảo đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và các quy định trong Luật Bình đẳng giới. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ và không phân biệt đối xử về giới; có nghiên cứu lồng ghép một số chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cụ thể hóa và đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển và tham gia hoạt động đường sắt.
Theo Bộ GTVT, sau khi được ban hành, các quy định trong Nghị quyết được bảo đảm, không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, các đối tượng yếu thế trong xã hội; tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mỗi cá nhân cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng và thụ hưởng như nhau về tác động của Nghị quyết khi được ban hành.
Nghị quyết tạo điều kiện để các cá nhân (không phân biệt giới tính, độ tuổi, tôn giáo, dân tộc...) có quyền tiếp cận thông tin về hoạt động đường sắt như: kinh doanh ĐSĐT, đầu tư phát triển ĐSĐT..., nguồn lực và thủ tục hành chính về đường sắt, góp phần tạo lập môi trường phát triển văn minh, hiện đại cho mỗi giới khi tham gia hoạt động ĐSĐT.
"Quá trình phân tích, đánh giá cho thấy các quy định trong Dự thảo Nghị quyết không có tác động về giới và đảm bảo các nguyên tắc, mục tiêu cơ bản của Luật Bình đẳng giới. Nghị quyết đang được thực hiện đúng tinh thần không phân biệt vị trí, vai trò, trách nhiệm của các giới khác nhau trong các hoạt động ĐSĐT’, Bộ GTVT đánh giá.