'Bí quyết' duy trì đường huyết ổn định dịp Tết
Đi bộ sau khi ăn, ăn nhiều chất xơ, tránh các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao,… góp phần phòng tránh đường huyết tăng cao hoặc xuống thấp.
Mức đường huyết cao hoặc thấp mạn tính thực sự có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, có thể gặp các tác dụng phụ tiêu cực như mệt mỏi, thèm ăn, tăng cân, thay đổi tâm trạng, đau đầu…
Sau đây là những mẹo để duy trì lượng đường trong máu ổn định suốt cả ngày vào dịp Tết:
Tránh các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao
Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh là một trong những bước đầu tiên để giữ mức đường huyết ổn định. Nghĩa là, ngay cả khi ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, vẫn cần phải lưu ý đến chỉ số đường huyết của loại thực phẩm đó.
Chỉ số đường huyết của một loại thực phẩm là mức độ làm tăng lượng đường trong máu của người ăn sau khi ăn thực phẩm này vào.
Chìa khóa để kiểm soát lượng đường trong máu là ưu tiên ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao bao gồm carbs tinh chế, khoai tây, bánh mì trắng, gạo trắng,... Trong khi các loại thực phẩm như rau xanh, táo, lê, mận, đậu nành, đậu phộng và sữa không đường ít béo có chỉ số đường huyết thấp.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa carb và hấp thụ đường, do đó, thúc đẩy lượng đường trong máu tăng dần. Có hai loại chất xơ là không hòa tan và hòa tan. Mặc dù cả hai đều quan trọng nhưng chất xơ hòa tan được chứng minh cải thiện đường huyết, còn chất xơ không hòa tan không có tác dụng này.
Chế độ ăn nhiều chất xơ có thể cải thiện khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm thiểu đường huyết xuống thấp, giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 1 tốt hơn.
Bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn
Probiotics là những vi khuẩn có lợi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm điều chỉnh lượng đường trong máu. Nghiên cứu cho thấy, lượng probiotic có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói, hemoglobin glycated (HbA1c) và kháng insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Thực phẩm lên men, dưa cải bắp, kim chi... chứa nhiều lợi khuẩn.
Đi bộ sau khi ăn
Một cách để cải thiện và kiểm soát glucose là đi bộ 15-20 phút sau bữa ăn. Điều này giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách cho phép cơ bắp của bạn sử dụng carbohydrate để tạo năng lượng trước khi chúng có thể gây ra sự gia tăng đột biến.
Chia thành nhiều bữa nhỏ
Thay vì ăn 2-3 bữa lớn chúng ta nên ăn nhiều bữa nhỏ sau 2-3 giờ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn bằng cách giảm lượng carbohydrate trong một lần ăn.
Lưu ý xây dựng các bữa ăn và bữa ăn nhẹ cân bằng bao gồm các chất dinh dưỡng như protein, chất xơ và chất béo.
Minh Hoa (t/h)