Ngày về ăn Tết vắng bóng mẹ cha, con trai bật khóc nhớ năm tháng cũ
Ngày về, nhà đã không còn như xưa, bố mẹ đã không còn ở đó. Và tất cả những ký ức ngọt ngào đã trở thành bóng hình mờ nhạt sau làn khói nhang nghi ngút.
Ngày giáp Tết, con đánh vội chuyến xe về quê. Cả chặng đường nước mắt cứ lăn dài, không sao kìm lại được. Con nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bố mẹ, nhớ anh chị em.
Bước vào sân, anh cả ra ôm chầm lấy con: “Em về rồi à, lâu lắm rồi, bố mẹ ‘chờ’ em mãi”. Từ “chờ” nghe sao chua xót, đau lòng. Tết năm nào bố mẹ cũng chờ con về, mong đứa con trai mà bố mẹ kỳ vọng sẽ làm nên việc gì đó ở xứ người trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ.
Bố thường nói “thằng T. (tôi) nghịch nhất nhà nhưng lại học giỏi nhất” và dặn các anh chị của con phải dồn tâm sức, tiền bạc cho con học. Nếu sau này con thành tài thì bố mẹ dù có ở dưới suối vàng cũng an lòng.
Thế nên con nghe theo lời bố mẹ, nghe lời anh chị, ra nước ngoài du học bằng suất học bổng tự kiếm được. Bao năm xa nhà, con cứ thế trưởng thành, đĩnh đạc hơn.
Con luôn nhớ lời bố mẹ dặn: “Ở xa nhà phải kiên cường, nghị lực. Nếu mệt, nếu chán thì gọi về cho bố mẹ, anh chị, đừng để trong lòng. Gia đình luôn ở bên con”.
Những ngày xa nhà, con luôn gọi điện hỏi han. Lúc nào con cũng nhận được câu trả lời của bố: “Bố khỏe lắm, mẹ con cũng rất tốt, con không phải lo gì nhé, cứ cố gắng học hành”.
Học xong, con tiếp tục ở lại nước ngoài vài năm để làm việc lấy kinh nghiệm. Con càng trưởng thành, càng không còn nhiều thời gian dành cho bố mẹ. Ngay cả khi bố mẹ ốm đau, chỉ có anh chị ở bên chăm sóc.
Khi về nước, con lại chọn lập nghiệp ở thành phố xa gia đình. Cứ như thế, những lần con về nhà thăm bố mẹ chỉ gấp gáp, vội vàng vì bao thứ phải lo toan.
Mấy năm qua, mỗi lần bố gọi con “năm nay về ăn Tết không con”, chưa bao giờ con trả lời ngay được. Lúc nào con cũng ấp úng, suy nghĩ để rồi nói một câu “để con xem đã bố nhé”. Con đâu biết câu trả lời bố mong nhất là “con nhất định sẽ về”.
Và lần nào về được, con cũng vội vàng đi ngay. Mẹ lại tất tả gói ghém mấy cái bánh chưng cho con mang lên thành phố. Bố dặn “yên tâm công tác con nhé”.
Khi con có gia đình, việc về quê càng ít hơn. Bố mẹ cũng già hơn, bệnh càng nặng hơn. 2 năm trước mẹ qua đời, bố già yếu, xót thương mẹ rồi cũng mất sau mẹ 1 năm. Lúc ấy, con mới hiểu được nỗi đau mất người thân lớn nhường nào.
Đứa con bé bỏng giờ đây muốn được ngã vào vòng tay cha mẹ cũng không thể nào có cơ hội nữa.
Năm nay, không có bố gọi nhưng con về rất sớm. Nhà đã trở nên lạnh lẽo, đìu hiu, không còn tiếng cười rộn ràng như những ngày Tết năm nào. Nhìn di ảnh bố mẹ trên bàn thờ, con quỳ gối, khóc nức nở.
“Lẽ ra con nên về nhiều hơn, lẽ ra con nên ở gần bố mẹ nhiều hơn nữa”, con cứ thế tự trách mình.
Con ngồi trên bậc hiên nhà, nhìn ra sân, nhớ những năm tháng đã qua. Đâu đó vẫn vang vọng tiếng bố, tiếng mẹ, tiếng cười giòn tan của các cháu trong ngày xuân.
Nhớ những ngày con còn bé, dù nhà chẳng có gì nhiều, mọi người vẫn quây quần bên nhau gói bánh chưng, luộc khoanh giò, rồi cùng nhau ăn bánh mứt, kể cho nhau nghe từng câu chuyện vui.
Mùi thơm từ nồi bánh, tiếng củi lửa tí tách lại làm con nhớ da diết những năm tháng tuổi thơ.
Giờ đây, con đã có nhiều thứ. Con có tiền bạc, có địa vị trong xã hội, có tất cả nhưng không còn bố mẹ. Con lại tự hỏi, có phải mình đã sai?
Thấy con im lặng, anh cả gọi an ủi: “Thôi em ạ, ai rồi cũng phải ra đi. Bố mẹ có ở bên đó, cũng mong anh em mình sống vui vẻ, hạnh phúc. Em được như hôm nay, bố mẹ, anh chị em đều rất mừng. Đó là điều chắc chắn. Nếu rảnh, cứ về đây.
Đây mãi là nhà của em, của chúng ta, của gia đình mình. Ở đây luôn có bố mẹ chờ em!”.